1 tỷ USD thúc đẩy thương mại tại các thị trường đang nổi

PV.

Ngày 6/3, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) – Thành viên của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Standard Chartered vừa đạt thỏa thuận hợp tác tài trợ thương mại theo Chương trình Hỗ trợ thanh khoản thương mại toàn cầu, với khoản đầu tư tăng thêm là 1 tỷ USD.

Trên cơ sở thỏa thuận Ngân hàng Standard Chartered sẽ triển khai một danh mục các giao dịch tài trợ thương mại có giá trị lên tới 1 tỷ USD thông qua các ngân hàng phát hành tại các thị trường đang nổi, trong đó, IFC sẽ tham gia với tổng khối lượng lên tới 50% giá trị tài trợ hay 500 triệu USD. Những ngân hàng phát hành này sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở thị trường nơi họ hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế.   

Ông Alex Manson, Giám đốc toàn cầu, khối ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: Việc tiếp tục mối quan hệ hợp tác với IFC khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách trong hoạt động tài trợ thương mại. Chương trình này kỳ vọng sẽ cung cấp hơn 5 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động thương mại tại các thị trường nơi Ngân hàng hiện diện trong 3 năm tới.

Ra đời năm 2009 trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các khoản tài trợ trong chương trình này đã được sử dụng một cách hiệu quả, cung cấp hơn 10 tỷ USD cho hoạt động thương mại và mang đến những tác động tích cực thông qua việc hỗ trợ cho một số lượng lớn các giao dịch ở các nước có thu nhập thấp, trong đó, 20% các giao dịch được dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chương trình Hỗ trợ thanh khoản thương mại toàn cầu cung cấp lượng thanh khoản cần thiết, giúp các ngân hàng hỗ trợ thương mại tăng hạn mức tín dụng, quản lý các rủi ro và hỗ trợ hoạt động thương mại ở các thị trường đang nổi gặp nhiều khó khăn.

Ông Marcos Brujis, Giám đốc Toàn cầu nhóm các tổ chức tài chính, IFC, chia sẻ: Hoạt động thương mại là mạch máu của nên kinh tế toàn cầu và là động lực tăng trưởng chính, cũng như là công cụ tạo ra việc làm và giảm thiểu đói nghèo. Chương trình này là một phần quan trọng trong chiến lược của IFC nhằm thúc đẩy thương mại trên toàn cầu, tạo ra các thị trường mới và các cơ hội mới cho các quốc gia có mức thu nhập thấp.

Chương trình Hỗ trợ thanh khoản thương mại toàn cầu là một sáng kiến tài trợ thương mại theo danh mục trong đó kết hợp nỗ lực của IFC và các ngân hàng hỗ trợ thương mại, để thúc đẩy hoạt động giao thương tại các thị trường đang nổi và giải quyết vấn đề thiếu vốn mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại các nước đang phát triển phải đối mặt. 

Theo mô hình chia sẻ rủi ro, IFC đầu tư vào các giao dịch thương mại do các ngân hàng phát hành tại các thị trường đang nổi thực hiện, với khối lượng tài trợ lên tới 50% hay 500 triệu USD, và lượng vốn tài trợ còn lại sẽ do các ngân hàng hỗ trợ thương mại đóng góp.