“1 vốn 400 lời”, biến tướng của bán hàng đa cấp
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Ở nước ngoài họ cảnh giác hơn với những lời quảng cáo “1 vốn 400 lời”. Đến nay tôi vẫn không hiểu sao bà con, cô bác lại dễ tin đến vậy. Từ nay, nếu có những lời quảng cáo như vậy thì nên nghĩ rằng đó là một biến tướng của bán hàng đa cấp”.
Không chối bỏ trách nhiệm
Chiều 6/4, Bộ Công Thương cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã có buổi làm việc về hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, buổi họp này báo chí không được tham dự. Sau đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông Khánh cho biết, bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng đã được nhiều quốc gia thừa nhận. Việt Nam cũng đã cam kết cho phép hoạt động bán hàng đa cấp với những quy định pháp luật tương đối hoàn chỉnh, tương đồng với mô hình quản lý bán hàng đa cấp của thế giới.
Theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Việt Nam cấm kinh doanh đa cấp theo hình thức kim tự tháp và buộc người muốn tham gia hoạt động này phải mua hàng hoá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động bán hàng đa cấp đã nảy sinh một số diễn biến phức tạp.
Sau khi phát hiện những biến tướng từ hoạt động này, Bộ Công Thương đã có những biện pháp tăng cường quản lý, kiểm tra, số tiền xử phạt lên đến hàng tỷ đồng. Dù đã có nhiều hoạt động giám sát, kiểm tra nhưng câu chuyện đáng tiếc như ở Công ty Liên Kết Việt vẫn xảy ra.
Trong vụ việc của Liên Kết Việt có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và vận hành khuôn khổ pháp luật. Quy định của pháp luật đã được vận hành đúng nhưng ở đâu đó việc xây dựng khuôn khổ pháp lý vẫn còn “có vấn đề”, thậm chí chưa chắc đã vận hành đúng.
“Bộ Công Thương không bao giờ từ chối trách nhiệm của mình, Bộ đã phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm lừa đảo của Liên Kết Việt và mong muốn các tỉnh, thành cùng vào cuộc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý khó “sờ gáy” DN?
Nêu rõ những khó khăn trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, sẽ không có một cơ quan quản lý nhà nước nào có thể đi theo theo dõi hoạt động của một doanh nghiệp trong 24/24 giờ. Trong khi đó, hoạt động bán hàng đa cấp lại có đặc điểm riêng là hoạt động chào hàng thường diễn ra tại nhà riêng nên rất khó phát hiện. Do đó, vai trò của quần chúng và nhất là người tham gia mạng lưới là quan trọng.
“Tháng 10/2015 cơ quan chức năng đã kiểm tra hoạt động của Công ty Liên Kết Việt nhưng trước đó không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của người dân. Người chào hàng có thể ngồi tại nhà riêng của khách hàng nhưng Sở Công Thương hay Bộ cũng không thể vào nhà riêng để lắng nghe và bắt quả tang hành vi sai phạm. Chỉ có người bị lôi kéo tham gia mới làm được điều này, khi không có thông tin từ người tham gia cung cấp, cơ quan chức năng sẽ rất khó có bằng chứng để xử lý doanh nghiệp, nhất là khi không có một ai lên tiếng sẽ càng khó khăn”, Thứ trưởng Khánh nói rõ.
Cũng theo vị này, nói một cách sòng phẳng, có những người hiểu biết mà vẫn tham gia bán hàng đa cấp. Do đó không thể nói là họ bị lừa được. Trong hợp đồng nói rõ các điều kiện khi tham gia bán hàng. Với những người hiểu biết, đọc Nghị định 42 và đọc các điều khoản hợp đồng thì không thể nói bị lừa được.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành lang pháp lý của Việt Nam cũng như các nước, thậm chí còn cao hơn khi có sự quản lý của Sở Công Thương khi mở rộng đa cấp đến tỉnh nào đó. Thậm chí, doanh nghiệp khi mở hội thảo cũng có kiểm tra xem quảng cáo có đúng không.
“Tuy nhiên, ở nước ngoài họ cảnh giác hơn với những lời quảng cáo “1 vốn 400 lời”. Đến nay tôi vẫn không hiểu sao bà con, cô bác lại dễ tin đến vậy. Từ nay, nếu có những lời quảng cáo như vậy thì nên nghĩ rằng đó là một biến tướng của bán hàng đa cấp”, ông Khánh khuyến cáo.
Khuyến cáo với người dân cẩn trọng khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, ông Khánh cho rằng, người tham gia trước khi ký bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp cần dành thời gian đọc kỹ Nghị định 42.