Ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính):
10 giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm trong năm 2021 (*)
Mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2020 đạt mức tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy thị trường bảo hiểm tăng trưởng và phát triển ổn định trong năm 2021, cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 DN (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 18 DN bảo hiểm nhân thọ, 18 DN môi giới bảo hiểm, 2 DN tái bảo hiểm) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước cả năm 2020 ước đạt 552.4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2019; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 113,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48,2 nghìn tỷ đồng.
Để thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2021 cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, nghiên cứu và hoàn thiện trình Quốc hội quyết định xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch thông tin của DNBH.
Thứ ba, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính.
Thứ năm, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ sáu, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp với việc là đầu mối của toàn thị trường, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.
Thứ tám, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.
Thứ chín, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ: Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNBH phi nhân thọ, đảm bảo an toàn hệ thống; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các DNBH phi nhân thọ; Tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ.
Thứ mười, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới; Đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0; Chú trọng, nâng cao chất lượng tư vấn, tính chuyên nghiệp của đại lý bảo hiểm; Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DNBH và các cơ quan truyền thông, báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cơ quan về bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, phòng chống các hiện tượng trục lợi bảo hiểm.