10 năm sóng gió từ khi ra đời của Bitcoin
Ra đời trong khủng hoảng tài chính, Bitcoin phát triển lặng lẽ và dần thu hút sự chú ý rồi gặp cú sốc tưởng chừng không thể hồi phục.
Bitcoin được tạo ra ngày 31/10/2008. 10 năm sau, tiền ảo đầu tiên của thế giới đang đứng vị trí tiên phong trong một hệ thống tài chính phức tạp, dưới con mắt ngờ vực của các thị trường và nhà đầu tư.
Được tạo ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu bởi một nhân vật có bí danh Satoshi Nakamoto, Bitcoin mang một tầm nhìn chính trị. Trong bản giới thiệu về Bitcoin, ở phần tóm tắt, Satoshi Nakamoto viết rằng, Bitcoin “hoàn toàn là một phiên bản ngang hàng (P2P) của tiền điện tử, cho phép gửi trực tiếp từ bên nọ qua bên kia trong thanh toán online mà không cần thông qua tổ chức tài chính”.
Tham vọng tạo ra tiền ảo được nhen lên sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) tháng 9/2008. Đây là sự kiện khiến thế giới mất niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống, nơi “một nhóm nhỏ lãnh đạo ngân hàng thiết lập quy định tiền tệ áp dụng cho tất cả mọi người”, Pierre Noizat - nhà sáng lập sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Pháp nhận xét năm 2011.
Tiền mô phỏng Bitcoin trưng bày trong một cửa hàng tại Israel. Ảnh: AFP |
Sau khi ra đời, Bitcoin lặng lẽ phát triển trong vài năm, chủ yếu thu hút sự chú ý của dân công nghệ và tội phạm. Giới tội phạm vì thế coi đây là công cụ để rửa tiền.
Sau khi vượt mốc 1.000 USD lần đầu tiên năm 2013, Bitcoin bắt đầu được các tổ chức tài chính để mắt. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ví Bitcoin với mô hình lừa đảo Ponzi. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Fed - Ben Bernanke lại nhìn ra tiềm năng của tiền ảo này.
Đầu năm 2014, Bitcoin đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ra đời. Mt. Gox - từng là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới - bị đột nhập và phải đóng cửa. Khi đó, khoảng 80% Bitcoin trên thế giới được giao dịch tại đây.
Kết quả là giá tiền số này lao dốc, làm dấy lên dự báo Bitcoin sẽ chết. Giá sau đó có thời điểm chỉ còn hơn 200 USD mỗi đồng.
Đến đầu năm 2017, Bitcoin mới hồi phục hoàn toàn. Noizat gọi đây là điểm khởi đầu cho “bước ngoặt” của Bitcoin. Đến cuối năm ngoái, giá một đồng lên kỷ lục 19.500 USD, theo số liệu của Bloomberg. Vốn hóa Bitcoin cũng được kéo lên hơn 300 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Tháng 1 năm nay, tổng giá trị của toàn bộ tiền ảo trên thế giới vượt 800 tỷ USD. Sau đó, bong bóng vỡ vụn. Hiện mỗi Bitcoin chỉ còn quanh 6.440 USD.
Dù vậy, nhờ Bitcoin, khái niệm tiền kỹ thuật số đã cải tiến rất nhiều, Bob McDowall - nhà phân tích tiền ảo cho biết trên AFP. Khoảng 2.000 loại tiền số đã ra đời. “Còn hơn cả một sản phẩm đột phá về kinh tế và kỹ thuật, Bitcoin đã trở thành tôn giáo với một số người”, ông nhận xét.
Trong khi đó, với nhà kinh tế học Nouriel Roubini, tính phi tập trung trong tiền số là điều hoang đường. “Hệ thống đó quá tập trung. Từ người đào, các sàn giao dịch đến các nhà phát triển công nghệ”, ông cho biết.
Một ATM Bitcoin ở Hong Kong. Ảnh: AFP |
Ý tưởng ban đầu của Bitcoin là hỗ trợ thanh toán. Tuy nhiên, phần lớn nhà quan sát cho rằng nó đang được sử dụng nhiều hơn trong vai trò cất trữ giá trị, hoặc công cụ đầu cơ do biến động giá lớn. “Kiểu công nghệ này phải mất 20 năm mới hoàn toàn ổn định”, Noizat cho biết.
Ông kỳ vọng tốc độ giao dịch của Bitcoin sẽ tăng lên. Hiện tại, mội giây, hệ thống chỉ xử lý được 5-10 giao dịch Bitcoin trong khi với thẻ Visa, số giao dịch tương ứng là vài nghìn.
Giới chức Mỹ cũng đang cân nhắc đơn xin lập quỹ ETF Bitcoin. Nếu Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chấp thuận, tiền số sẽ trở thành một phần của hệ thống tài chính mà nó được tạo ra để qua mặt.