10 phương thức giúp các quốc gia có nền kinh tế không tiền mặt
Tổ chức Liên minh không tiền mặt (Better Than Cash) thuộc Liên Hiệp Quốc vừa công bố 10 bước giúp các quốc gia xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Theo Liên minh không tiền mặt, có nhiều bằng chứng cho thấy ích lợi của việc chuyển đổi từ phương thức thanh toán tiền mặt sang điện tử, nhưng đối với không ít quốc gia, việc tự ứng dụng phương thức này vẫn đang là một trở ngại.
Từ dữ liệu nghiên cứu phân tích, báo cáo đã xác định 10 nhân tố tác động mạnh mẽ, thúc đẩy việc hình thành các nền kinh tế không dùng tiền mặt dưới đây.
- Phát triển cơ sở hạ tầng chấp nhận thanh toán đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhằm ứng dụng sâu rộng đối với khách hàng và các doanh nghiệp lớn hơn.
- Vận dụng mạng lưới và nền tảng sẵn có nhằm phân phối sản phẩm và dịch vụ thanh toán điện tử, từ đó mở rộng phương thức thanh toán điện tử nhanh chóng và tiết giảm chi phí.
- Tạo dựng cơ sở hạ tầng điện tử chung cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rào cản gia nhập, cải tiến công nghệ trong cả khu vực công và tư nhân.
- Hình thành khả năng tương tác nhằm phá bỏ rào cản giới hạn giao dịch điện tử trong một nền tảng thanh toán duy nhất, từ đó gia tăng khả năng ứng dụng và chấp nhận thanh toán.
- Phát triển chương trình nhận diện chuyên biệt để các doanh nghiệp thuộc cả khu vực công và tư nhân đều có thể tham gia được nhằm xác định các bên có thể thúc đẩy thanh toán điện tử và đảm bảo việc tiếp cận tài chính cho tất cả mọi người. Các chương trình bảo vệ người dùng được xem là thiết yếu nhằm đảm bảo tính bảo mật, an toàn và khả năng quản lý dữ liệu.
- Số hóa các quy trình sử dụng thông thường mà người dùng cá nhân thường sử dụng trong giao dịch nhằm gia tăng sự tiện dụng, tần suất sử dụng thanh toán và giao dịch điện tử.
- Số hóa thanh toán chính phủ nhằm phát triển môi trường thanh toán điện tử thông qua tiết kiệm chi phí giao dịch và gia tăng khả năng tiếp cận của người dân với các phương thức này.
- Phát hành biên lai chính phủ điện tử nhằm tăng tính tiện dụng của các phương thức thanh toán điện tử đối với người dùng cá nhân và doanh nghiệp, giảm thiểu thất thoát và giúp tăng trưởng doanh thu. Việc hợp tác với khu vực tư nhân là điều tối quan trọng.
- Xây dựng hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy cải tiến công nghệ và việc sử dụng có trách nhiệm, thông qua việc thấu hiểu những khác biệt, rào cản của pháp luật hiện hành, đồng thời kết nối các bên liên quan.
- Ban hành các chính sách khuyến khích và cải thiện tính tiện lợi của thanh toán điện tử nhằm ứng dụng nhanh chóng và rộng khắp phương thức thanh toán điện tử.
Báo cáo được công bố hồi tháng trước, sau khi Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng cho đến năm 2025, nền tài chính số có thể mang đến 3,7 nghìn tỷ USD tăng trưởng GDP, tạo ra thêm 95 triệu việc làm trên mọi lĩnh vực và giúp giảm thất thoát 110 tỷ USD mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam đã gia nhập Liên minh không tiền mặt và đang tích cực triển khai Chiến lược phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2012- 2020, hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược tài chính cho mọi người ở cấp độ quốc gia nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính theo quy định chính thức cho người dân. Trong đó, phát triển hệ thống thanh toán dự kiến sẽ là một trong những nhân tố thiết yếu. Hiện có đến 69% người trưởng thành tại Việt Nam chưa sở hữu các tài khoản tài chính.