20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt 4.067,8 tỷ đồng, với 145.968 khách hàng đang vay vốn tại 3.093 Tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) , chiếm tỷ trọng 96,6% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách (TDCS) đang triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp.
Tỉnh Đồng Tháp đã tập trung triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ (Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) đạt nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, khẳng định TDCS đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia cũng như các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
Để triển khai thực hiện tốt TDCS xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, mô hình tổ chức của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động TDCS. Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố, các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.
Phương thức cho vay chủ yếu tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Việc ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch được ký kết giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Hợp đồng ủy thác được kết hợp giữa NHCSXH cấp huyện với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Phương thức này đã góp phần đảm bảo vốn TDCS đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đã giúp hơn 798 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.067,8 tỷ đồng, với 145.968 khách hàng đang vay vốn tại 3.093 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 96,6% trên tổng dư nợ TDCS đang triển khai tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Có thể nói, mô hình Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong triển khai thực hiện TDCS xã hội. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về TDCS xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động TDCS xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn...
Để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH nơi cho vay thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn. Tổ TK&VV do tổ chức chính trị - xã hội thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận cho phép hoạt động gồm: hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên một địa bàn dân cư. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tổ này còn được UBND cấp xã giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn TDCS, có sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng khóm, ấp, trình UBND cấp xã phê duyệt và giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Đến 31/8/2022, toàn tỉnh có 3.093 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 698 khóm, ấp trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 145.968 tổ viên, bình quân mỗi tổ có 47 tổ viên.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện TDCS xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCS trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo huy động các nguồn lực tài chính, tập trung huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ nguồn vốn nhận bàn giao ban đầu là 121,5 tỷ đồng, đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đạt 4.329,2 tỷ đồng, tăng 4.207,7 tỷ đồng (gấp 35,6 lần) so với nguồn vốn nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 210,4 tỷ đồng.
Năm 2002, khi mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH chỉ thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo với dư nợ 119 tỷ đồng. Năm 2003, chi nhánh vừa làm nhiệm vụ tiếp nhận bàn giao dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Công thương Việt Nam vừa thực hiện giải ngân cho vay mới. Dư nợ đến cuối năm 2003 là 193,282 tỷ đồng với 5 chương trình cho vay gồm: cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, cho vay xuất khẩu lao động. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai cho vay 17 chương trình TDCS với dư nợ đạt 4.208,9 tỷ đồng, tăng 4.089,9 tỷ đồng so với năm 2002.
Qua 20 năm thực hiện TDCS theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã tập trung giải ngân cho 798.268 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 10.909 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 6.793 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ đạt 4.208,9 tỷ đồng, với 147.716 khách hàng đang vay vốn, tăng 4.089,9 tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân năm sau so với năm trước đạt trên 21,2%, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 28,5 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn TDCS xã hội phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Nguồn vốn TDCS xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho gần 800.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp trên 143.000 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 82.000 lao động; hỗ trợ gần 10.000 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây mới và cải tạo trên 367.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ trên 367.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ trên 2.100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xây dựng trên 11.800 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 320 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP...
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Từ đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.