200.000 tỷ đồng nợ xấu có đảm bảo bằng bất động sản, giải pháp nào tháo gỡ?

Theo Thu Thảo/ndh.vn

Thời gian giao, cho thuê đất được thay đổi phù hợp sẽ là giải pháp tốt kích cầu nhà đầu tư rót tiền vào tháo gỡ các dự án “trùm mền”, theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh.

Một phần dự ánSài Gòn One Tower. Nguồn: ndh.vn
Một phần dự ánSài Gòn One Tower. Nguồn: ndh.vn

Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tính thời hạn sử dụng đất kể từ ngày dự án được nghiệm thu bàn giao, đưa vào kinh doanh.

Theo đó, Hiệp hội đề xuất xem xét, sửa đổi quy định về "thời hạn sử dụng đất" và cho bổ sung nội dung Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc kể từ ngày hoàn thành dự án đưa vào khai thác, kinh doanh.

Theo HoREA, Điều 126 Luật Đất đai 2013 đã quy định đất sử dụng có thời hạn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm).

Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán, để bán kết hợp với cho thuê, để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư theo thời hạn của dự án; Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất (nêu trên) có những mặt bất cập, chưa thật hợp tình hợp lý.

200.000 tỷ đồng nợ xấu có đảm bảo bằng bất động sản, giải pháp nào tháo gỡ? - Ảnh 1

Một phần dự ánSài Gòn One Tower. Ảnh: Thu Thảo.

Đối với hầu hết các dự án BĐS, sau khi đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh ra quyết định giao đất, cho thuê đất và xác định thời hạn sử dụng đất (Phần lớn thời hạn sử dụng đất là 50 năm). Sau đó, chủ đầu tư dự án tiến hành các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, xin cấp giấy phép xây… Toàn bộ các công việc này mất khoảng trên dưới 3 năm thì dự án mới hoàn thành, được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Từ thời điểm đó, chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng và giữ lại phần thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ cho thuê để khai thác kinh doanh, và mới bắt đầu có doanh thu, lợi nhuận. Do vậy, theo quy định trên đây thì thời hạn kinh doanh thực tế của dự án chỉ còn khoảng 47 năm.

Trong giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng, nhiều dự án đã bị "đắp chiếu", phát sinh hàng tồn kho và nợ xấu rất lớn. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh thì trong các năm qua, đã có trên 500 dự án bị ngừng triển khai, bị thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đây là nguồn cung sản phẩm tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A). Chỉ trong 10 tháng đầu năm, 23 dự án BĐS trên địa bàn thành phố được mua bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới.

HoREA cho rằng chính các nhà đầu tư mới sau khi mua và tái khởi động lại dự án "đắp chiếu" đã góp phần thiết thực giúp cho thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian qua. Trong đó, có những dự án đã bị "đắp chiếu" nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, sau khi được chủ đầu tư mới "giải cứu" thì thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án đã bị giảm đi, có khi bị giảm hàng chục năm, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại là khoảng 300.000 tỷ đồng. Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu này là BĐS. Như vậy, có khoảng 200.000 tỷ đồng giá trị BĐS là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu thuộc các dự án đang bị "đắp chiếu".

Để xử lý "cục máu đông" này, năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, đã đưa ra cơ chế và phương thức rất phù hợp để xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu mà phần lớn là các dự án bất động sản. Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã thực hiện thu giữ dự án thế chấp, đảm bảo khoản nợ xấu, đầu tiên là dự án Sài Gòn One Tower, số 1 Hàm Nghi, quận 1 để tổ chức đấu giá rộng rãi lựa chọn chủ đầu tư mới.

Nếu đấu giá thành công trong năm 2018 thì người trúng đấu giá cũng chỉ còn thời hạn sử dụng đất dự án là 40 năm. VAMC dự kiến giá khởi điểm đấu giá dự án Sài Gòn One Tower khoảng 6.110 tỷ đồng, nhưng nếu thời hạn sử dụng đất của dự án được tính lại là 50 năm kể từ ngày dự án đưa vào khai thác kinh doanh, thì giá khởi điểm đấu giá có thể cao hơn mức giá hiện nay, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đấu giá và chắc chắn giá trúng đấu giá sẽ cao hơn.