2022 - năm của bất động sản công nghiệp
Chứng kiến những gì đã trải qua đợt dịch COVID-19 vừa qua thì bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc phát triển mạnh mẽ toàn thị trường bất động sản. Do đó, tiếp đà tăng trưởng, các chuyên gia nhận định năm 2022 sẽ là năm bùng nổ của bất động sản công nghiệp và logistics.
Trong 2 năm qua, trước những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Khi mà hầu hết các phân khúc đều gần như “đóng băng” thì bất động sản công nghiệp lại nổi lên với những “điểm sáng” về thu hút đầu tư, mở rộng, giá chào thuê, tỷ lệ lấp đầy cao… và cho thấy phân khúc này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong năm 2022.
Các chuyên gia Collier Việt Nam đánh giá, năm 2022, nhiều khả năng bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục “chiếm sóng” khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước, thu hút không chỉ nhu cầu nội địa mà còn là thỏi nam châm hút vốn các nhà sản xuất nước ngoài. Bên cạnh đó, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn trong 12 tháng tới.
Năm nay, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới tham gia vào thị trường, cung cấp hơn 4.200 ha vào quỹ đất công nghiệp, trong đó, 4 khu công nghiệp tọa lạc tại huyện Bình Chánh. Sự tăng trưởng nguồn cung này nhằm đáp ứng nguồn cầu thuê đất, nhà xưởng công nghiệp rất lớn trên địa bàn thành phố trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp tại đô thị này đang cạn dần.
Trong khi đó, Bình Dương cũng hứa hẹn sẽ là điểm nóng trong năm 2022 khi địa phương này lần lượt thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC, Becamex, HUD. Các thủ phủ công nghiệp khác ở phía Nam như Bình Phước, Đồng Nai và Long An sẽ là tâm điểm của thị trường này nhờ vào giao thông và kinh tế đều phát triển mạnh.
Ở khu vực miền Trung, thị trường Đà Nẵng đang nổi lên là điểm đến thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Arevo Inc. (Mỹ) nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le vốn đầu tư 110 triệu USD cũng chọn Đà Nẵng làm điểm đến.
Dự án EPE Packaging Việt Nam (Nhật Bản) vốn đầu tư 300.000 USD vào Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), vốn đầu tư 35 triệu USD cũng chọn vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Các khu công nghiệp tại Hà Nội cũng đang hút khách thuê trong năm 2021 và dự kiến nhu cầu thuê tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Hiện các khu công nghiệp Thăng Long, Nam Thăng Long, Đông Anh, Sài Đông B, Quang Minh, Nội Bài, Thạch Thất đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 100%. Phía Bắc thậm chí đã mở rộng thị trường bất động sản khu công nghiệp ra các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...
Theo Collier, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại chính là đòn bẩy để Việt Nam thay áo cho diện mạo nền kinh tế và thị trường bất động sản công nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội thu hút những công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất nhiều hơn.
Nhiều đơn vị tư vấn cũng đánh giá tích cực về cơ hội bùng nổ của bất động sản công nghiệp năm 2022. Các loại hình bất động sản công nghiệp như: nhu cầu thuê đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, kho lạnh... đều tăng cao, thúc đẩy thị trường trở nên hấp dẫn kể từ khi đại dịch bùng phát.
Lý giải sự hấp dẫn ở phân khúc bất động sản công nghiệp và sự dịch chuyển ngày càng lớn của các nhà đầu tư ngoại ở các khu công nghiệp Việt Nam chính là giá chào thuê đất khu công nghiệp ở nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn 20-33% so với Indonesia và Thái Lan, những quốc gia có lợi thế về vốn FDI như Việt Nam.
Đồng thời, những cơ chế chính sách mà Nhà nước, Chính phủ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang tạo niềm tin rất lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. CBRE Việt Nam dự báo triển vọng của bất động sản công nghiệp sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022, thậm chí kéo dài đà tăng trưởng sang năm 2023.
Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Khó khăn vừa qua cho thấy sự cần thiết trong việc đa dạng địa điểm sản xuất, mở rộng kho hàng. Việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới.
Vì vậy, bất động sản công nghiệp và logistics trong năm nay sẽ tiếp tục tăng vọt. Đây là phân khúc được săn đón trong vài năm qua, sẽ còn tiếp diễn và tạo đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để đầu tư vào các dự án xí nghiệp mới.
Ngoài ra, phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics cũng sẽ chào đón một số lĩnh vực mới. Sẽ có sự tăng trưởng về phân phối kho hàng và dịch vụ của thương mại điện tử cũng như logistics nhằm phục vụ thị trường trong nước, do đặc điểm địa lý của Việt Nam với các thành phố trọng điểm đều cần sự phân phối này.