30 năm thu hút FDI: Tác động lan tỏa không dễ nhận thấy
Với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc là người có sự gắn bó đặc biệt. Ông trực tiếp tham gia phục vụ quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 và những lần sửa đổi sau đó. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Khóa XII, XIII và đang tham gia tổng kết 30 năm thu hút FDI, ông càng có điều kiện hiểu sâu sắc, đa chiều về tác động của nguồn lực này đối với sự phát triển đất nước, trong đó có cả “những tác động lan tỏa không dễ nhận thấy”.
Nhiều điều khoản vượt tư duy thông thường
Phóng viên: Là người trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, theo ông, luật này có ý nghĩa như thế nào vào thời điểm ban hành?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc. |
Ông Nguyễn Văn Phúc: Những năm đó nước ta chịu hậu quả vô cùng to lớn của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, nền kinh tế mang tính kế hoạch, tập trung bao cấp, phụ thuộc vào viện trợ của cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa. Kinh tế - xã hội khủng hoảng, lạm phát phi mã, sản xuất đình trệ, đời sống của nhân dân rất khó khăn.
Trước tình hình như vậy, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối Đổi mới, theo đó xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa hợp tác kinh tế với các nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước tư bản chủ nghĩa để cùng với nguồn lực trong nước, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Thể chế hóa đường lối của Đảng, QH Khóa VIII - QH đầu tiên thời kỳ đổi mới, đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngay trong Kỳ họp thứ 2, có hiệu lực từ tháng 1/1988.
Có thể nói, đây là đạo luật kinh tế đầu tiên và cũng là đạo luật về đầu tư kinh doanh đầu tiên của nước ta. Những nội dung chủ yếu của Luật đã tạo lập niềm tin và có sức hấp dẫn, mời gọi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam.
Đây cũng là thông điệp, là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước ta về mở cửa, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến với một đất nước đang đổi mới, cải cách, mong muốn hợp tác kinh tế với tất cả các nước phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế qua các giai đoạn, Luật được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000, và được thay thế bằng Luật Đầu tư chung năm 2005 và năm 2014. Dự kiến, Luật Đầu tư 2014 sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới đây.
Về nội dung, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 có gì đặc biệt?
Có rất nhiều điểm đặc biệt! Đầu tiên, Luật quy định về quyền được đầu tư trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong đó có các lĩnh vực khuyến khích; quyền được lựa chọn các hình thức đầu tư: Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh; xí nghiệp (doanh nghiệp) liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Luật cũng khẳng định nguyên tắc Nhà nước tôn trọng các quyền tự do kinh doanh khác như: Quyền thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; quyền thỏa thuận về các hình thức góp vốn trong xí nghiệp liên doanh không bị hạn chế về mức cao nhất, giá trị phần vốn góp được xác định trên cơ sở giá thị trường quốc tế; quyền thỏa thuận chọn công ty bảo hiểm tài sản; quyền thỏa thuận về tỷ lệ xuất khẩu và tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong nước; quyền mở sổ sách kế toán theo nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế phổ biến.
Cùng với đó là quy định về biện pháp bảo đảm đầu tư như: Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu, vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính; xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa; nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng, thỏa đáng, được chuyển lợi nhuận các khoản tiền và tài sản hợp pháp khác ra nước ngoài, được thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi về thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp) so với khu vực trong nước.
Về cơ bản những nội dung nêu trên được kế thừa và phát triển một cách hợp lý và nhất quán trong những lần Luật được sửa đổi, bổ sung và thay thế sau này.
Những tác động lan tỏa không dễ thấy
Nhìn lại 30 năm triển khai Luật Đầu tư nước ngoài, sau này là Luật Đầu tư, theo ông đâu là những thành tựu nổi bật?
Về kết quả nổi bật, tôi nghĩ rằng phải đánh giá trên hai phương diện. Thứ nhất là những kết quả trực tiếp. Về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư, tính đến 20/9/2018, có trên 26.640 dự án còn hoạt động đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký là 334 tỷ USD, tổng số vốn thực hiện trên 185 tỷ USD.
Đối với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, năm 2017 đầu tư nước ngoài chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 19,6% GDP, trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 17% tổng thu ngân sách nhà nước.
Khu vực này đã giải quyết khoảng 3,6 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp… Những dự án, công trình lớn, hiện đại, những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân đúng chuẩn mực quốc tế… là minh chứng sinh động về kết quả trực tiếp của đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua.
Thứ hai là những tác động lan tỏa không dễ nhận thấy của đầu tư nước ngoài đến khu vực kinh tế trong nước. Nếu không có sức ép cạnh tranh từ khu vực đầu tư nước ngoài thì làm sao khu vực doanh nghiệp trong nước chịu mua sắm công nghệ, thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực quản lý để sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Cùng với đó là tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Nếu không có đầu tư nước ngoài thì liệu chúng ta có môi trường đầu tư kinh doanh quốc tế như hiện nay hay không?
Hơn thế nữa, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Có thể nói, những tác động lan tỏa này không kém phần quan trọng so với những kết quả trực tiếp nêu trên của đầu tư nước ngoài.
Vậy còn “mặt trái của tấm huy chương” thì sao thưa ông?
Đúng là cũng cần nhìn cả mặt trái của tấm huy chương, mặt trái của đồng tiền. Nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận. Hầu hết họ mong muốn làm ăn nghiêm túc, hợp tác với nước chủ nhà để cùng chia sẻ thành công và lợi ích, nhưng cũng có một bộ phận nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu thiện chí.
Bên cạnh đó, do cơ chế, chính sách, do trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, do nội lực nền kinh tế của chúng ta nên việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, bất cập. Đáng chú ý là, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt trên mức trung bình (trên 55%).
Công nghệ mang vào Việt Nam chưa phải là công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, thậm chí chỉ mới ở mức khá hoặc trung bình. Kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn nhưng phần lớn nhập khẩu nguyên vật liệu, linh phụ kiện từ nước ngoài.
Việc liên kết chuyển giao công nghệ với khu vực doanh nghiệp trong nước còn ở mức thấp, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có hành vi chuyển giá, trốn thuế, thâu tóm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam, tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động phổ thông, không đúng quy định của pháp luật…
Cần thu hút nhà đầu tư đẳng cấp cao
Trong bối cảnh mới, với những thách thức từ chiến tranh thương mại, sự dịch chuyển của các dòng đầu tư, Cách mạng Công nghiệp 4.0, theo ông chúng ta cần định hướng thu hút FDI thế hệ mới như thế nào?
Từ những thành tựu, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra qua 30 năm, bám sát định hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 cũng như tính đến diễn biến tình hình, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước, chắc chắn các cơ quan có thẩm quyền sẽ có chỉ đạo về mục tiêu, định hướng mới trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, Việt Nam cần phải thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng hơn, đẳng cấp hơn, sử dụng đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn trên nền tảng Cách mạng Công nghiệp 4.0 để góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục cải cách, đổi mới thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thích hợp.
Chúng ta phải mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới từ các nước phát triển nhất thuộc nhóm G7, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các nước khác có trình độ công nghệ cao, tiên tiến và quản trị hiện đại…
Xin cảm ơn ông!