30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Chúng ta đã thành công”
Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện cả nước có khoảng 334 tỷ USD vốn đăng ký với hơn 26.600 dự án còn hiệu lực. Tỷ trọng vốn FDI liên tục tăng với hai con số, cao nhất đạt tới 30,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu của khu vực này hiện đạt trên 70%... Nhìn vào những con số này, nhận định “chúng ta đã thành công” của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, GS. TSKH. Võ Đại Lược rõ ràng có cơ sở.
“Nhiều kết quả quan trọng”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chặng đường 30 năm thu hút FDI “đã đạt được nhiều kết quả quan trọng”. Theo đó, khu vực FDI đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế.
Cùng với đó, tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP cũng ngày càng cao. Nếu như năm 1995, tỷ trọng này là 6,3% thì đến năm 2017 đã tăng lên gần 20%.
Riêng đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI đã tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Giai đoạn 2011 - 2015, mức đóng góp này đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách.
Một kết quả quan trọng khác là đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin... Đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực FDI còn thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này lên tới 72,6%. Đồng thời, FDI thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm là nguyên liệu thô, sơ chế, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao…
Nhìn vào những kết quả đã đạt được sau 30 năm thu hút FDI, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng đó là những con số thực sự ấn tượng. “Điều đó cho thấy chúng ta đã thành công trong thu hút FDI suốt 30 năm qua”, ông nói.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong thu hút FDI. Đó là hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Nhiều dự án FDI gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước; chuyển giao công nghệ chưa như mong muốn. Địa bàn thu hút FDI mới chỉ tập trung vào một số địa phương, nhất là khu vực phía Nam…
Hiện, nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, quy mô dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc… tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn mới.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, để việc thu hút FDI thực sự hiệu quả, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế.
Định hướng chiến lược về thu hút FDI cần xác định được những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hướng đến nhà đầu tư là tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Đồng thời, cần quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nước để thích ứng với những ngành nghề sẽ thu hút FDI… Song song với đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần nỗ lực vươn lên để có thể liên kết được với doanh nghiệp FDI.
Muốn vậy, bên cạnh yếu tố tự thân mỗi doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước, thông qua các chính sách về thuế suất, lãi suất ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục… nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển...
GS. TSKH. Võ Đại Lược bổ sung, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Singapore là chỉ ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ khu vực Âu - Mỹ vốn mạnh về công nghệ, quản trị.
Mặt khác, chính sách cũng cần điều chỉnh về thẩm quyền quyết định đầu tư, thay vì phân cấp cho các địa phương được toàn quyền quyết định lựa chọn đầu tư nước ngoài như hiện nay, nên có một đơn vị rà soát để kiểm tra, giám sát, quyết định những dự án đầu tư lớn.