414 văn bản chuyên ngành “quây” hàng hóa xuất nhập khẩu
Hàng loạt bất cập liên quan đến quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) như: Nhiều văn quản lý, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành… tồn tại từ nhiều năm vẫn chưa được tháo gỡ và một lần nữa cơ quan Hải quan phải tiếp tục khẩn thiết đề nghị các bộ, ngành chức năng phải sớm thay đổi triệt để, thực chất để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ.
Nút thắt quá lớn
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác 6 tháng, triển khai nhiệm vụ quý 6 tháng cuối năm 2017 của Tổng cục Hải quan đang diễn ra sáng nay, câu chuyện về lực cản của kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm.
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Đức Nga nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá XNK thời gian qua đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân, là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.
Ông Nguyễn Đức Nga dẫn chứng “Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, còn có sự chồng chéo trong quản lý/kiểm tra chuyên ngành. Hiện, có 414 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiêm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền ban hành”.
Việc ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật với phạm vi, đối tượng và mặt hàng phải quản lý, kiểm tra rất rộng, rất nhiều, nhiều mặt hàng không có mã số HS, và cả sự chồng chéo trong công tác quản lý/kiểm tra chuyên ngành... đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thực thi như cơ quan Hải quan gặp muôn vàn khó khăn.
Bên cạnh vướng mắc trên, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan còn đưa ra hàng loạt nguyên nhân cho thấy sự bất cập, kém hiệu quả trong hoạt động quản lý, kểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK.
Đó là, kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro; chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra của sản phẩm có xuất xứ từ các nước phát triển như G7; chưa đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả… Nguồn lực (bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phượng tiện làm việc) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn thiếu và còn yếu.
Mặt khác, một số doanh nghiệp XNK chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng là một thực trạng đáng lo ngại.
Cần áp dụng “hậu kiểm”
Để tháo gỡ nút thắt, rào cản quá lớn liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản, kiến nghị đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành.
Tại Hội nghị sáng nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý chuyên ngành là các bộ, ngành cần tăng cường công tác “hậu kiểm”, nhất là hàng có co rủi ro thấp, tỉ lệ vi phạm ít. Việc kiểm tra ở khâu thông quan ngay tại cửa khẩu chỉ áp dụng đối với những mặt hàng nhất định có mức độ rủi ro cao, hàng hóa liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng…
Có như vậy, việc giảm thời gian thông quan hàng hóa theo chủ trương của Chính phủ mới có thể đi vào thực chất, hiệu quả.
Mặt khác, Tổng cục trưởng chỉ đạo Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan) phải thống kê, đưa ra được con số cụ thể về tỉ lệ phát hiện vi phạm trên tổng số lượng mẫu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành bắt buộc phải kiểm tra hiện nay.
Đồng thời, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đề nghị các bộ, ngành khi ban hành danh mục hành hóa XNK phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần phải kèm theo tiêu chuẩn, quy chẩn cụ thể để cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan thực hiện.
Rõ ràng, việc thay đổi một cách triệt để về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK của các bộ, ngành đang là một đòi hỏi bức thiết, cần phải thực hiện khẩn trương để đáp ứng được các mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong các Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.