5 chuyển động bứt phá của ngành ngân hàng 2021
Ngành ngân hàng trong năm 2021 đã gặt hái được những kết quả gì nổi bật?
1. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng 2 lần vào quý III và quý IV
Tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% tính tới thời điểm cuối tháng 10/2021, cao hơn so với mức tăng trưởng 7,6% cùng kỳ 2020. Nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 13% cho cả năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo duy trì ở mức cao khảng 13% trong năm 2022.
Theo đó, tăng trưởng nền kinh tế nói chung và xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong những năm tới… Room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room 2 lần trong năm 2021.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét. Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí). Hiện các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như TCB, TPB, VPB, MBB, ACB, HDB, VIB, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong thời gian tới.
2. Tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng chính của ngân hàng
Tín dụng bán lẻ đang là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2021.
Với đặc điểm nền kinh tế khối doanh nghiệp FDI đóng góp một phần lớn trong GDP cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm thu nhập cao tăng lên giúp tài sản gia tăng và thúc đẩy nhu cầu vay nợ tiêu dùng. Tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp SME cũng được các ngân hàng ưu tiên hơn khi hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay doanh nghiệp lớn theo Thông tư 41.
3. Thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân liên tục cải thiện
Từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào năm 2021. Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian qua.
Lãi suất cho vay ghi nhận mức giảm khoảng 1,5% so với thời điểm trước dịch COVID-19, so với mức giảm trung bình 1,7% của chi phí lãi suất huy động. Mức giảm của lãi suất cho vay có phần chậm hơn so với mức giảm của lãi suất huy động và là lý do chính dẫn tới sự tăng trưởng cao của NIM toàn ngành trong nửa đầu năm 2021.
Ba ngân hàng tư nhân được cấp room tín dụng cao nhất
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm mạnh ngay từ thời điểm quý 2/2020 do thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế trong khi nhóm ngân hàng tư nhân chỉ ghi nhận sự suy giảm từ quý 1/ 2021. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống ghi nhận giảm 1,5 – 2% tùy kỳ hạn so với thời điểm trước dịch.
4. Toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng lên 20,1% trong năm 2021
Do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm sâu xuống mức không còn đủ hấp dẫn cùng với việc các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản sôi động thu hút một lượng lớn dòng tiền.
Kỳ hạn tiền gửi trở nên ngắn hơn: nhu cầu tăng thanh khoản trong bối cảnh các thị trường đầu tư tài sản sôi động đã thúc đẩy thêm một phần lớn tiền gửi kỳ hạn dài đã được chuyển qua tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn ngắn có mức lãi suất thấp hơn, do đó càng góp phần làm chi phí vốn huy động của các ngân hàng giảm thêm. Xu hướng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, khiến cho tỷ lệ CASA toàn ngành tiếp tục tăng lên
5. Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm
Doanh số bảo hiểm theo tháng năm 2021 nhận mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần. Một số ngân hàng như TCB, VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Mức hoa hồng chi trực tiếp cho nhân viên ngân hàng cũng được tăng lên ở một số ngân hàng.
Trong năm 2022, thị trường có thể tiếp tục ghi nhận sự ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới giữa CTG – Manulife và của ngân hàng HDB khi ngân hàng này đang tích cực tìm kiếm đối tác độc quyền mới....