Linh hoạt nới lỏng tiền tệ

Theo Lê Mỹ/diendandoanhnghiep.vn

Nhiều chuyên gia dự báo, trong bối cảnh áp lực lạm phát đối với Việt Nam vẫn chưa lớn, thì chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm tới có thể vẫn sẽ được thực hiện linh hoạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các kịch bản dự báo kinh tế năm 2022 sẽ là một trong những “kim chỉ nam” để nhận diện chính sách điều hành tiền tệ của NHNN, trong đó có lãi suất. 

Từ các dự báo kinh tế năm 2022 

Kịch bản của World Bank đưa ra trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa Thu năm 2021, dựa trên giả định các biện pháp giãn cách sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm COVID-19 thành công vào cuối quý III/2021, để nền kinh tế bật lại vào quý IV năm nay (và sát thực với diễn biến đang xảy ra), là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.

Đây là một kịch bản hết sức lạc quan và cũng là kỳ vọng mà Việt Nam đặt ra, với chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao vào 2022, tuy có thấp hơn so với lúc bình thường nhưng cũng rất tích cực với kỳ vọng GDP đạt 6-6,5%.

Cũng ở mức này nhưng lại lạc quan hơn cả WB, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021, nhưng đồng thời dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 7,5% vào năm 2022, với điều kiện các tổn thất kinh tế do COVID-19 để lại không lớn.

Đến các kịch bản kinh tế khác...

Theo nhóm nghiên cứu của TS. Lê Nguyễn Minh Phương, GS. Lê Văn Cường (nhà kinh tế học tại Đại học Kinh tế Paris-Pháp), TS. Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và IPAG Business School Paris), dự báo kinh tế Việt Nam trên mô hình kinh tế lượng, phương pháp minh bạch, dựa trên nền tảng lý thuyết kinh tế và sử dụng số liệu kinh tế của Việt Nam, đã nêu ra 4 kịch bản.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,78%.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,78%.

Trong đó, lạc quan nhất là tăng trưởng thế giới 4,9%, tiêu dùng của Nhà nước Việt Nam là 10% GDP, thì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 là 7,1%, lạm phát 3,2%.

Ở kịch bản thứ 2, tăng trưởng thế giới vẫn là 4,9%, chi tiêu của Nhà nước giảm xuống 8% GDP, tăng trưởng GDP 6,6%, lạm phát 3,3% (khá sát dự báo một số tổ chức).

Ở kịch bản thứ 3, tăng trưởng thế giới chậm lại còn 3,5%, tỷ lệ tiêu dùng Nhà nước là 8% GDP, mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 3,7% và lạm phát là 1,7% (nhưng khả năng có thể không xảy ra do biến chủng Omicron được dự báo không quá lo ngại như ban đầu). Tuy nhiên do xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới nên tăng trưởng GDP của Việt Nam theo đó cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh.

Ở kịch bản thứ 4, tăng trưởng thế giới 4%, tỷ lệ tiêu dùng Nhà nước là 8% GDP thì mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 4,8%, lạm phát 2,4%.

Có thể thấy trong cả 4 kịch bản trên, các chuyên gia đều tính toán yếu tố lạm phát Việt Nam ở mức thấp và theo các chuyên gia, điều này là hợp lý bởi Việt Nam hiện tại “chưa có gì để phải lo lạm phát”.

Cần duy trì chính sách phù hợp

GS. Lê Văn Cường cũng lưu ý rằng theo tính toán của mô hình tích cực như vậy, NHNN sẽ sử dụng mức lãi suất danh nghĩa ở khoảng 7,4%/năm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây là công cụ do cơ quan quản lý điều hành tùy thuộc các mục tiêu, do đó, rất khó dự báo. Cũng như, tùy thuộc vào việc Chính phủ thúc đẩy tiêu dùng Nhà nước ở quy mô nào để hỗ trợ kinh tế.

“Với bức tranh tài chính – tiền tệ của Việt Nam hiện tại, Việt Nam nên ưu tiên vào tài khóa. Có thể thay vì điều chỉnh lãi suất, cơ quan quản lý sẽ sử dụng lượng tiền chi tiêu cho nền kinh tế. Nếu sử dụng tiêu dùng Nhà nước cao thì điều đó tức là có nợ phải trả, giảm lãi suất có lợi trước mắt tăng cầu, tăng đầu tư, nhờ đó tăng GDP, có lợi cho năm sau, tăng đầu tư năm nay có vốn để sản xuất sang năm. Theo đó, giảm lãi suất năm thứ nhất, thì sẽ dùng chính sách tiêu dùng cho năm sau”, GS. Lê Văn Cường nhận định.

Theo TS. Võ Đình Trí, thời gian gần đây, nhiều người đặt vấn đề chờ đợi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà dự kiến ở khoảng 800.000 tỷ đồng. Ông cho rằng nếu có chương trình thì không hẳn đồng nghĩa Nhà nước “bơm ra” 800.000 tỷ đồng mà tiền đã có sẵn trong các chương trình đang được triển khai. Theo đó, tác động của chương trình này đến chính sách tiền tệ và lãi suất trong năm tới, dự báo sẽ không lớn.

Trở lại với các dự báo của WB và IMF, WB cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ, trong đó cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Trong khi đó, IMF cho rằng bên cạnh việc cần đẩy nhanh và mở rộng việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với người dân, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng một cách phù hợp, đồng thời theo dõi chặt chẽ lạm phát.