Nhìn lại ngành ngân hàng năm 2021
Những cuộc đổi chủ đầy bất ngờ, sự lên ngôi của lớp lãnh đạo trẻ, công nghệ và định hướng mới trong mảng bán lẻ có thể coi là những điểm nhấn trong bức tranh ngân hàng năm 2021.
1. Những cuộc đổi chủ bất ngờ - lớp lãnh đạo trẻ lên ngôi
Năm 2021 là một năm đầy biến động lớn ở những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa như NCB, KienlongBank Vietbank, SCB hay LienVietPostBank. Nói là biến động lớn bởi đã có sự thay đổi căn bản trong bộ máy lãnh đạo cao cấp từ Chủ tịch HĐQT đến Tổng Giám đốc của nhóm này. Đặc biệt, năm qua đã chứng kiến sự "lên ngôi" của thế hệ lãnh đạo trẻ.
Mới đây, ngày 9/12, KienlongBank đã chính thức bổ nhiệm ông Trần Ngọc Minh đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng. Ông Trần Ngọc Minh sinh năm 1984, là Thạc sĩ kinh tế Học viện Ngân hàng, là một trong những gương mặt trẻ nổi bật trong giới tài chính - Ngân hàng.
Trước đó, cuối tháng 5/2021, KienlongBank cũng chính thức có tân Chủ tịch HĐQT là bà Trần Thị Thu Hằng. Bà Hằng sinh năm 1985, là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Bà từng là Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech. Nữ doanh nhân năm nay 36 tuổi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018 với một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.
Ngày 29/7/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã họp ĐHĐCĐ bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, từng giữ vai trò CEO tại Sun Group.
Ngay sau đó, NCB tiếp tục có sự thay đổi lớn trong ban điều hành với việc bổ nhiệm Phó TGĐ thường trực Dương Thị Lệ Hà làm TGĐ thay ông Phạm Thế Hiệp, đồng thời bổ sung 2 Phó TGĐ mới là các bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.
Trước đó, trong tháng 5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ngày 15/5 có quyết định giao ông Trương Khánh Hoàng đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc SCB thay cho ông Jeremy Chen. Ông Trương Khánh Hoàng cũng được biết tới như một gương mặt sáng giá trong câu lạc bộ các CEO tài chính 8X.
Trước khi gia nhập SCB, ông Hoàng từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giám sát phụ trách Thị trường vốn & Quan hệ đầu tư tại CTCP Tập đoàn Nova; Giám đốc phụ trách Tài chính dự án cấp cao tại CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King. Tại SCB, ông Hoàng đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng như: Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định, Phó Tổng giám đốc phụ trách Điều hành Khối Phê duyệt Tín dụng và Xử lý nợ, Phó Tổng giám đốc thường trực.
Tại ĐHĐCĐ VietBank năm 2021, ông Dương Nhất Nguyên Nguyên là con trai của ông Dương Ngọc Hoà - nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm đã được HĐQT VietBank thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983, đã có thời gian kinh qua các vị trị quản lý tại Tập đoàn Hoa Lâm, sau đó làm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT VietBank.
Tuy không cùng thuộc thế hệ 8X, nhưng sự tham gia của đại gia Nguyễn Đức Thụy cùng Thaiholdings ở Lienvietpostbank cũng là trường hợp thu hút sự chú ý. Ngay sau khi được bầu vào HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, 'Bầu' Thuỵ đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thụy, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings. LienVietPostBank cho biết, với chức danh Phó chủ tịch HĐQT, cùng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn, ngân hàng tin tưởng ông Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của LienVietPostBank.
2. Ngân hàng ồ ạt tăng vốn, cả chục tỷ cổ phiếu phát hành mới
Tăng vốn là từ khoá hot nhất tại ĐHĐCĐ thường niên các ngân hàng năm 2021, thậm chí sau đại hội, trước bối cảnh tăng trưởng của thị trường chứng khoán thuận lợi, nhiều ngân hàng đã bổ sung kế hoạch tăng vốn với tỷ lệ tăng vốn cao từ 30-80%. Với kế hoạch được thông qua trong năm 2021, sẽ có khoảng 12 tỷ cố phiếu ngân hàng được phát hành để các nhà băng tăng vốn. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 7 tỷ cổ phiếu phát hành thành công.
Mới đây, cuối tháng 12/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho BIDV và Vietcombank tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận năm 2019 và 2020.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Vietcombank cũng vừa phát đi thông báo chốt ngày chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, ngân hàng sẽ trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 12%, đồng thời, sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 37.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ.
Sau khi trả cổ tức thành công, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là Vietinbank, Vietcombank và VPBank.
3. Lãi suất thấp kỷ lục
Trước tác động của đại dịch COVID-19, đã có một khoảng thời gian đầu dịch hầu hết các ngân hàng trong trạng thái "ngủ đông" không dám cho vay mới, chủ yếu cơ cấu, đánh giá lại các khoản nợ. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư cho phép ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ do tác động bởi dịch bệnh COVID-19; cùng với đó là yêu cầu các NHTM phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nhờ vậy, lãi suất ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng khoảng 15 năm trở lại đây.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trên toàn thị trường đã giảm 1,6% trong năm 2021, tính cả năm 2020 thì khoảng 2%.
Lãi suất thấp dẫn tới nhiều lo ngại trên thị trường về việc lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do hệ số NIM giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, lo ngại này đã không hoàn toàn xảy ra. Tính đến hết quý 3, hầu hết các ngân hàng đều công bố lợi nhuận tăng, trung bình lợi nhuận toàn ngành vẫn đạt trên 15% so với cùng kỳ và vượt 75% kế hoạch năm - khả quan hơn đại đa số các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Để cân đối lợi nhuận và có nguồn dự phòng rủi ro, hầu hết các ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế nhưng cũng duy trì lãi suất huy động ở mức thấp do tình trạng thanh khoản dồi dào, ngân hàng dôi dư nhiều vốn để cho vay. Lãi suất huy động ở hầu hết các ngân hàng giảm về mức thấp nhất nhiều năm, với kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 4% - cao hơn lạm phát khoảng 1,5%, lãi suất trung, dài hạn khoảng 5-7%.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã thiết kế gói hỗ trợ lãi suất ngân hàng với quy mô khoảng 30.000 tỷ. Đây có thể là một hy vọng mới cho lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022.
4. Nợ xấu tăng mạnh, tỷ lệ bao nợ xấu cao kỷ lục
Theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn đến cuối năm 2021 (bao gồm các khoản nợ đã được tái cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 - NHNN) dự kiến ở mức từ 7,1% - 7,7%. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số thống kê được về nợ xấu nội bảng ngành ngân hàng hiện nay chỉ trên 2%. Điều này cho thấy, số nợ xấu đang được "che" dưới hình ảnh lợi nhuận là không hề nhỏ.
Để giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng, nền kinh tế, tại Thông tư 03 NHNN cho phép các ngân hàng giãn trích lập dự phòng các khoản nợ xấu trong vòng 3 năm (2021, 2022, 2023). Tuy nhiên, về cơ bản, đa số các ngân hàng thương mại lớn đều ý thức được rằng, cuối cùng nợ xấu vẫn phải do chính ngân hàng tự xử lý, nên nhiều nhà băng sớm đã có phòng vệ bằng việc tăng mạnh trích lập dự phòng hoặc thống kê đầy đủ nợ xấu thay vì che dấu nó.
Một điểm điều đáng chú ý trong báo cáo 9 tháng là chất lượng tài sản của các ngân hàng trong quý III đều xấu đi rất nhanh. Nợ nhóm 4, 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh, như Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 1,1%. Trong đó, nợ xấu nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu; hay Vietinbank tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần đôi so với đầu năm lên mức 1,66%. Nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu. Trong nhóm 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, chỉ có BIDV là tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, hiện ở mức 1,61% nhưng nợ xấu nhóm 5 cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là hầu hết các ngân hàng đều gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với mức tăng trích từ 50, 70% đến vài lần như: NCB (tăng 66 lần), TPBank (tăng gấp 3,2 lần), ACB (tăng 4 lần), LienVietPostBank (tăng 2,5 lần), SeABank (tăng 2,1 lần), MBBank (tăng 2,1 lần).
Điều này cho thấy các ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho sự bùng nổ của nợ xấu trong thời gian tới.
5. Chuyển đổi số, ngân hàng bán lẻ
Hoạt động đáng chú ý cuối cùng của ngành ngân hàng trong năm 2021 là sự chuyển động mạnh mẽ của chuyển đổi số, xác định hướng đi mới với ngân hàng bán lẻ.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định năm 2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Ngành ngân hàng có những điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn khi có nền dân số trẻ, yêu thích công nghệ thúc đẩy nhu cầu về giải pháp công nghệ tài chính sẵn sàng nở rộ trong điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển tốt như mạng 3G/4G phủ gần như toàn quốc và số người sử dụng điện thoại di động cao.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Tại ĐHĐCĐ năm 2021, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng cường chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đây được coi là mục tiêu sống còn, là tất yếu để ngành ngân hàng phát triển, hội nhập và cạnh tranh.
Cùng với quá trình các ngân hàng lần lượt bán các công ty tài chính với một vài thương vụ đình đám như VPBank bán FECredit, MSB bán FCCom hay SHB bán SHB Finance thì các ngân hàng đang chuyển dần sang định hướng ngân hàng bán lẻ nhằm giảm thiểu rủi ro từ khách hàng lớn và đa dạng hoá nguồn thu.
Bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc Bộ phận phân tích Dragon Capital cho rằng, hiện dư địa tăng trưởng ngân hàng bán lẻ của Việt Nam còn rất lớn và miếng bánh sẽ ngày càng to ra khi thu nhập đầu người tăng lên. Ví dụ như, thẻ tín dụng ở Việt Nam mới chỉ chiếm 8-10% dân số, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 40%, thậm chí như Singapore là 95%.
Đại diện Dragon Capital cho rằng, nếu các ngân hàng không mạnh mẽ chuyển đổi về công nghệ số, hướng tới ngân hàng bán lẻ sẽ sớm bị tụt lại phía sau. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng, việc giảm tỷ trọng với khách hàng lớn để phâm tán rủi ro, tập trung vào ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu, có lợi cho ngân hàng đi trước.