5 điểm đáng chú ý trong kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế 2017
Khu vực tư nhân tạo ra nhiều tiền nhất, khu vực nhà nước tạo ra ít tiền nhất, ngành Công nghiệp và Dịch vụ đang phát triển mạnh nhất, doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư mạnh vào y tế và giáo dục… là những điểm nổi bật trong Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế 2017.
Sáng 19/1, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra Kinh tế năm 2017. Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì cuộc họp.
Xét về quy mô doanh nghiệp, cả nước có 10.000 doanh nghiệp lớn (1,9%). Doanh nghiệp nhỏ và vừa là khoảng 98,1%. Xu hướng doanh nghiệp lớn đang có xu hướng giảm dần, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng lên.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất về mức đóng góp cho ngân sách nhà nước với 46%, tiếp đến là khối doanh nghiệp nhà nước 29%, doanh nghiệp FDI là 25%.
Công nghiệp và Dịch vụ phát triển mạnh nhất
Tại Thống kê sơ bộ theo ngành kinh tế, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng và doanh nghiệp dịch vụ là hai khu vực doanh nghiệp lớn nhất, đều đạt mức doanh thu khá cao. Năm 2016, các doanh nghiệp ngành dịch vụ đạt doanh thu 8,75 triệu tỷ đồng, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 9,02 triệu tỷ đồng.
Đây cũng là những ngành hiện đang thu thút nhiều lao động nhất trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng hiện thu hút nhiều lao động nhất với 9,1 triệu người, chiếm 64,7% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, tăng 28,4% so với năm 2012. Có 5 ngành kinh tế cấp 1 thu hút nhiều lao động nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; bán luôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.
Hai ngành này cũng có đóng góp đáng kể cho ngân sách, các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp 51,7% tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp. Khối công nghiệp và xây dựng đóng góp 48% cho ngân sách của khối doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh nhất
Tại thời điểm 1/1/2017, số lượng doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu khoảng 63.000, tăng 48,2% so với cùng thời điểm năm 2012, tốc độ tăng bình quân hàng năm trong thời kỳ này là 8,2%. Trong đó, số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu là 23.300, tăng bình quân 7,1%/năm. Doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu là 55.100, tăng bình quân 8,7%/năm. Doanh nghiệp có cả hai hoạt động là 15.400, tăng bình quân hằng năm là 8,3%.
Số lượng cơ sở giáo dục, đào tạo do doanh nghiệp đầu tư là 5.100, tăng 81% so với năm 2012.
Ngân sách vẫn phải chi mạnh cho khối hành chính
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2017, cả nước có 143.700 đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp, tăng 2,3% so với năm 2012. Lao động trong khu vực này hiện là 3,8 triệu người, tăng 11,3% so với năm 2012, dù đã thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,5% của năm 2012 so với 2007.
Số đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ cao với 70,2% số cơ sở và 55,4% số lao động. Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh tế ngầm ở Việt Nam chiếm 30% GDP?
Tại Họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về những nhận định gần đây rằng, khu vực kinh tế chưa quan sát được đang chiếm tới 30% GDP? Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện nay Tổng cục Thống kê đang có nhiệm vụ đánh giá và tính toán khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế để báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, kinh tế phi chính thức chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa quan sát được, bao gồm: hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình điều tra kinh tế của cơ quan thống kê.
Trong 5 thành tố này, hiện cơ quan thống kê đã thu thập và có điều tra trong nhiều năm với 3 thành tố gồm kinh tế phi chính thức (như hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh, xe ôm…); hoạt động hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu của cơ quan thống kê.
Đối với hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp, theo ông Lâm thì không thể thu thập thông tin một cách chính thức. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan Thống kê khẳng định, con số tỷ lệ 20 - 30% GDP là không đúng, hoạt động kinh tế phi chính thức không đến 30%.