5 điểm nhấn kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 26/9-01/10/2016
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng 9/2016 đạt 104,1 điểm, CPI Nhật Bản giảm thấp nhất kể từ tháng 9/2013, 76% CEO xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi nước Anh... là những điểm nhấn tài chính - kinh tế thế giới tuần qua (26/9-01/10/2016).

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng 9/2016 đạt 104,1 điểm
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng 9/2016 đạt 104,1 điểm - cao nhất kể từ tháng 8/2007, cao hơn so với mức 101,8 điểm tháng 8/2016, do việc làm tăng trưởng ổn định, thị trường chứng khoán ít biến động… Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tăng tốc trong những tháng tới.
CPI Nhật Bản giảm thấp nhất kể từ tháng 9/2013
Trong tháng 8/2016, CPI Nhật Bản giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015 - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2013, trong đó chi tiêu hộ gia đình giảm 4,6%; CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2013. CPI suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp là một thách thức lớn đối với chính sách kích cầu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
76% CEO xem xét chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi nước Anh
Theo kết quả khảo sát 100 giám đốc điều hành (CEO) từ những công ty có doanh thu 100 triệu - 1 tỷ bảng tại Anh, 86% CEO tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của công ty mình, 69% tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Anh trong 3 năm tới, tuy nhiên có 76% đang xem xét chuyển trụ sở hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi nước Anh sau sự kiện Brexit. Hầu hết các CEO cho rằng, sự ổn định môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất để khuyến khích các nhà kinh doanh tiếp tục đầu tư vào Anh thời kỳ hậu Brexit.
OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ
OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ (lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, từ 34 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 32,5-33 triệu thùng/ngày, trong đó Saudi Arabia - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, sẽ giảm 350.000 thùng/ngày.
Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia bơm 5,3 tỷ USD hỗ trợ ngân hàng trong nước
Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã bơm 5,3 tỷ USD qua hình thức các khoản vay, nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong nước đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá dầu giảm. Chính phủ Saudi Arabia đã phải giảm các khoản tín dụng trong hệ thống ngân hàng, thắt chặt thanh khoản nội địa, khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009.