Ngân hàng Anh phải nộp 1,1 tỷ USD để dàn xếp bê bối bán trái phiếu
Ngày 28/9, Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) của Anh thông báo chấp nhận nộp khoản tiền 1,1 tỷ USD (tương đương 982 triệu euro) cho giới chức Mỹ để dàn xếp vụ bê bối bán các trái phiếu được thế chấp có chất lượng kém trong giai đoạn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-2009.
Trong một tuyên bố, RBS cho hay ngân hàng này nhất trí khoản tiền phạt trên với Ban Quản lý hội tín dụng quốc gia của Mỹ nhằm dàn xếp hai vụ kiện dân sự.
Mức phạt này thấp hơn nhiều so với mức 14 tỷ USD mà ban trên yêu cầu ngân hàng Deutsche Bank nộp phạt để giải quyết vụ kiện tương tự.
RBS, Deutsche Bank cùng nhiều ngân hàng lớn khác đều bị giới chức tài chính Mỹ cáo buộc cố tình khiến các nhà đầu tư lầm tưởng về giá trị thực của các loại trái phiếu được thế chấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Hậu quả là thị trường bất động sản sụp đổ kéo theo nhiều trái phiếu trở nên vô giá trị và khiến người nắm giữ chúng thiệt hại hàng tỷ USD.
Trong một vụ việc tương tự, hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cũng áp mức phạt 5,1 tỷ USD đối với ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Ngân hàng này đã phát hành và bán các trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp cùng các tín phiếu liên quan tới thị trường nhà đất khác, trong khi các tài sản này có giá trị thấp và rủi ro cao.
Người đầu tư, bao gồm nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng, đã bị tổn thất nặng nề, một số thậm chí đã phá sản, khi giá trị của những trái phiếu/chứng khoán đó trượt dốc theo sự sụp đổ của thị trường nhà đất.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng phải trả hàng tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc liên quan tới hành vi che giấu những rủi ro và xung đột lợi ích trong việc bán trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase & Co.
Năm 2014, Goldman cũng đã đồng ý trả 3,2 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc tương tự với hai công ty tài chính nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac.