50 năm một chặng đường cải cách, đổi mới cùng đất nước
(Tài chính) Tháng 4/1965, Ủy ban Vật Giá nhà nước (tiền thân của Cục Quản lý Giá-Bộ Tài chính) được thành lập, từ đó đến nay trải qua 50 xây dựng và phát triển, ngành Giá Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác quản lý, điều hành giá đã đạt được những bước tiến dài trong việc chuyển đổi từ cơ chế giá kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hoàn thiện cơ chế điều hành giá theo hướng phù hợp hơn với các quy luật của kinh tế thị trường.
Ngày 6/4/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Nghị quyết cho phép thành lập Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Căn cứ vào Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/6/1965, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/CP về việc thành lập Uỷ ban Vật giá Nhà nước, theo đó xác định Uỷ ban Vật giá Nhà nước là cơ quan Trung ương của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về giá trong phạm vi cả nước. Đồng thời, ngày 23/3/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 59/CP cho phép thành lập Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đó, xác định Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính cùng cấp và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Từ đó đến nay, trải qua 50 năm cải cách, đổi mới cùng đất nước, ngành Giá Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 10 năm đầu kể từ khi ra đời cho đến trước khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1965-1985), ngành Giá thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho các mục tiêu kinh tế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Cơ chế quản lý giá chủ yếu trong giai đoạn từ 1965 - 1985 là cơ chế giá chỉ đạo Nhà nước, đã thực hiện thống nhất giá cả hai miền Nam - Bắc... Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn đã xuất hiện tư duy quản lý giá theo cơ chế thị trường thể hiện bằng việc đổi mới hệ thống giá kế hoạch hóa tập trung thông qua hai cuộc tổng điều chỉnh giá trên toàn quốc vào năm 1981-1982 và tháng 10/1985.
Mặc dù việc tổ chức thực hiện hai cuộc tổng điều chỉnh giá nói trên chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đây vẫn là những dấu mốc quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách giá của Việt Nam, bước đầu phá vỡ quan điểm hình thành giá theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ sự tồn tại hệ thống giá không phù hợp với quy luật giá trị, quan hệ cung cầu và nhiệm vụ mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là những bước đột phá để tạo điều kiện cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN vào các giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn này, Điều lệ quản lý giá cũng đã được ban hành kèm theo Nghị định số 33/HĐBT ngày 27/2/1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Đây là văn bản pháp luật cao nhất, toàn diện nhất về công tác quản lý giá kể từ khi Ủy ban Vật giá Nhà nước được thành lập, đã thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và lần thứ V về chính sách giá trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986-2000) với nội dung chính là xóa bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, công tác giá đã có những bước chuyển nổi bật như:
- Đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá. Đặc biệt, trong giai đoạn này, theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 về quản lý giá qua đó góp phần đổi mới công tác quản lý giá phù hợp với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Tiếp tục điều chỉnh giá những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá cho phù hợp với chi phí sản xuất, lưu thông, quan hệ cung cầu và giá cả thị trường thế giới; hình thành Quỹ bình ổn giá theo Quyết định số 151/TTg ngày 12/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã phát huy hiệu quả ổn định giá cả thị trường, góp phần hạn chế ảnh hưởng của giá thị trường thế giới vào giá trong nước, bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước;
- Ở giai đoạn này, cơ chế quản lý giá cũng đã được đổi mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa lên miền núi được bắt đầu từ năm 1994, qua quá trình triển khai thực hiện đã từng bước hoàn thiện chính sách và được thể hiện bằng việc ban hành Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, do sớm nhận thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, vai trò định giá trực tiếp của Nhà nước sẽ ngày càng thu hẹp, nhưng vai trò cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho xã hội sẽ ngày càng tăng nên Ban Vật Giá Chính phủ đã thành lập hai Trung tâm (Trung tâm tư vấn, dịch vụ kiểm định giá năm 2008 và Trung tâm Thông tin và Kiểm định giá Miền Nam năm 2009) có chức năng tư vấn dịch vụ kiểm định giá, tạo bước khởi đầu cho sự hình thành nghề thẩm định giá của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quản lý giá theo cơ chế thị trường . Đồng thời, để nghề thẩm định giá Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với quốc tế và khu vực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá cũng được chú trọng với việc tham gia của Ban Vật giá Chính phủ vào Hiệp hội thẩm định giá các nước ASEAN (AVA) năm 1997 và Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC) năm 1998 với vai trò là Hội viên thông tấn (đến năm 2009 là hội viên chính thức).
Với việc đổi mới cơ chế quản lý giá như trên, bộ máy quản lý nhà nước về giá cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/CP ngày 26/10/1992 về việc thành lập Ban Vật giá Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Uỷ ban Vật giá Nhà nước, theo đó, xác định: Ban Vật giá Chính phủ là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng nghiên cứu chính sách giá cả và giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo công tác giá trong cả nước. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sát nhập Ủy ban Vật giá tỉnh với Sở Tài chính. Tại các quận, huyện, trong các Phòng Tài chính - Thương nghiệp có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác giá.
Đến giai đoạn 2001 – 2010, nền kinh tế nước ta hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2007, nhiệm vụ của công tác giá được xác định là phải tiếp tục xây dựng được những cơ chế, chính sách giá phù hợp với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, trong đó nhiệm vụ quản lý điều hành giá cả được thực hiện bằng các phương pháp gián tiếp là chủ yếu.
Theo đó, việc quản lý, điều hành giá trong giai đoạn này đã có những đổi mới cơ bản cho phù hợp, như:
Thực hiện đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường rõ rệt hơn, giảm mạnh cơ chế bao cấp qua giá. Nhà nước giảm thiểu việc định giá trực tiếp; thay vào đó là thực hiện điều tiết giá chủ yếu bằng các hình thức gián tiếp thông qua việc sử dụng đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô; điều hoà cung cầu để tác động vào sự hình thành và vận động giá cả. Nhà nước chỉ còn quyết định giá một số ít hàng hoá, dịch vụ độc quyền, quan trọng; còn lại, đại đa số các hàng hoá, dịch vụ đang lưu thông trên thị trường đều do các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự định giá.
Mặt khác, môi trường pháp lý quản lý, điều hành giá cũng tiếp tục được bổ sung và từng bước hoàn thiện, được đánh dấu bằng việc Pháp lệnh Giá đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2002, khẳng định nguyên tắc nhất quán trong quản lý giá là: Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật.
Hệ thống giá tiếp tục được hoàn thiện hơn theo hướng “tự do hoá” nhưng không thả nổi theo sự điều tiết tự phát của thị trường. Xoá bỏ hoàn toàn hệ thống 2 giá để thực hiện hệ thống một giá chung không phân biệt đối tượng tiêu dùng là người nước ngoài làm ăn sinh sống ở Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước...
Trong giai đoạn này, nghề thẩm định giá cũng không ngừng phát triển, từng bước trở thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao, phát triển cả số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia hoạt động thẩm định giá.
Với sự đổi mới về cơ chế quản lý giá, bộ máy quản lý nhà nước về giá tiếp tục được tổ chức lại theo hướng gọn nhẹ hơn, đến ngày 19/9/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 122/2002/QĐ-TTg về việc chuyển Ban Vật giá Chính phủ vào Bộ Tài chính và sau đó Cục Quản lý giá được thành lập năm 2003. Chính thức từ thời gian này, Cục Quản lý giá – cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về giá cho Bộ Tài chính ở Trung ương đã trở thành một đơn vị chức năng của Bộ Tài chính - Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Với việc chuyển vào Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá càng có điều kiện thuận lợi trong việc đề xuất, biện pháp bình ổn giá đồng bộ với chính sách tài khoá và các biện pháp tài chính khác để mang lại hiệu quả cao hơn.
Từ đó đến nay, công tác quản lý giá đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào như đã hoàn thiện về cơ bản môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) đánh dấu một bước cơ bản hoàn thiện thể chế quản lý giá. Được kế thừa và phát triển từ Pháp lệnh Giá năm 2002, Luật Giá và các Nghị định quy định chi tiết Luật Giá và các Thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để quản lý giá theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Công tác quản lý, điều hành giá trong giai đoạn này cũng đã đạt được bước tiến dài, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và cho đến nay, giá than, xăng dầu đã được điều hành phù hợp với thị trường; giá điện và giá một số dịch vụ công (y tế, giáo dục...) đang tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường đã đề ra. Công tác quản lý, bình ổn giá nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá (như dịp Tết Nguyên đán, vào các mùa lễ hội…) đã được Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ ngành, địa phương chú trọng tăng cường, chỉ đạo góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Công tác phân tích dự báo đã được tăng cường, nhờ vậy đã giúp kịp thời đề xuất cho Chính phủ, Bộ Tài chính kịp thời đề ra các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp...
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khó lường; cùng với việc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều tiết, bình ổn giá, góp phần kiểm soát lạm phát; ngày 11/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm Phó Trưởng ban; Bộ Tài chính (Cục Quản lý được giao làm cơ quan giúp việc) đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhằm nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành, quản lý giá trong giai đoạn mới.
Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về giá, công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá cũng được chú trọng. Ngoài việc tạo hành lang pháp lý và giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá; hàng năm, Bộ Tài chính đều tổ chức kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá, tạo nguồn lực cho hoạt động thẩm định giá. Tính đến hết tháng 1/2015, cả nước có 168 doanh nghiệp thẩm định giá và 1.231 thẩm định viên về giá, trong đó có 805 thẩm định viên đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, theo đó đã đề ra một số giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá tại Việt Nam...
Điểm qua các giai đoạn lịch sử của ngành Giá trong nửa thế kỷ qua, có thể khẳng định công tác quản lý, điều hành giá đã đạt được những bước tiến dài trong việc chuyển đổi từ cơ chế giá kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hoàn thiện cơ chế điều hành giá theo hướng phù hợp hơn với các quy luật của kinh tế thị trường. Môi trường pháp lý về quản lý giá đã cơ bản được xây dựng và bổ sung nhằm khuyến khích cạnh tranh về giá, đồng thời bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước về giá một cách hợp lý trong cơ chế kinh tế thị trường. Công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá đã đạt được những thành công bước đầu góp phần kiềm chế và tiến tới kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.