58/63 địa phương đã triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Anh Thư

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được triển khai rộng khắp tại 58/63 tỉnh, thành phố.

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương

Tại các địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Lạng Sơn…, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được triển khai mạnh mẽ. Hiện có 58/63 địa phương đã có dự án NSCL được phê duyệt. Một số địa phương không xây dựng dự án NSCL thuộc Chương trình nhưng đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao NSCL.

Tính đến cuối năm 2019, Dự án Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn khoảng 500 lượt doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL; áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy…

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Chương trình NSCL được thực hiện liên tục. Trong các năm từ 2016-2019, hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về NSCL, Giải thưởng chất lượng được tổ chức với sự tham dự của gần 2000 lượt đại biểu.

Dự án Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn khoảng 500 lượt doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL...

Các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về NSCL do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức trực tiếp tổ chức đào tạo, tập huấn về NSCL, Giải thưởng chất lượng và các nội dung liên quan khác cho gần 1.000 lượt cán bộ các sở, ban ngành, doanh nghiệp tại địa phương.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương có dự án triển khai ở giai đoạn II đạt hiệu quả tương đối tốt như Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Cà Mau… Bên cạnh đó, một số địa phương việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn. Lý  do chủ yếu vẫn là kinh phí đầu tư cho Chương trình còn hạn hẹp, nhiều địa phương không có điều kiện đầu tư hoặc chưa ưu tiên đầu tư kinh phí cho Dự án.

Bên cạnh đó, các Bộ ngành chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao NSCL, chưa nhận thức đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua hỗ trợ áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ. Vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án chưa nhiều, doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để thực hiện các dự án cải tiến, do đó mức độ triển khai dự án tại doanh nghiệp khó khăn, nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đa số các địa phương, hiệu quả triển khai dự án là rõ nét. Cùng với hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng đã khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động TCĐLCL ở địa phương.