6 bài học kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính của Bộ Tài chính

PV.

Thời gian qua, những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) và thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Tài chính đã được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và hiệp hội nghề nghiệp đánh giá cao. Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác CCHC và Công bố Chỉ số CCHC năm 2017 được tổ chức sáng 12/9/2018, Bộ Tài chính đã đánh giá lại những kết quả, đồng thời chỉ ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác CCHC của Ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin Tổng cục Thuế ngày 31/1/2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin Tổng cục Thuế ngày 31/1/2018.

Là bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả công tác CCHC, ngành Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Cải cách thể chế, TTHC, đổi mới quy trình quản lý, đổi mới công tác cán bộ...

Cụ thể, trong cải cách TTHC, Bộ Tài chính ban hành 20 Quyết định công bố 258 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC. Trình Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 về phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính và đề xuất đơn giản hóa đối với 90 TTHC. Ban hành Quyết định số 832/QĐ-BTC ngày 31/5/2018 về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Đối với cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước; Sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế; Nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và với vấn đề tài chính; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước...

Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra công tác CCHC đối với 38 đơn vị trong ngành Tài chính, chú trọng kiểm tra công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan và kho bạc.

Với những nỗ lực và giải pháp đồng bộ đó, hoạt động CCHC và TTHC đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và hiệp hội nghề nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, tại Hội nghị Công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất, nhóm TTHC hải quan đứng thứ ba trong 08 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.
Tại Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2017 (Par Index 2017) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức, Bộ Tài chính cũng được vinh danh khi đạt 84,42/100 điểm (trong đó: điểm thẩm định là 53,94 điểm, điểm điều tra xã hội học là 30,47 điểm), xếp thứ 3/19 bộ, cơ quan ngang Bộ.
Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác CCHC và Công bố Chỉ số CCHC năm 2017 được tổ chức sáng ngày 12/9/2018, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ về một số bài học rút ra trong quá trình thực hiện công tác CCHC của Bộ Tài chính như:

Một là, cần phải huy động nguồn lực của toàn ngành Tài chính, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài chính về công tác CCHC.

Hai là, công tác CCHC cần phải thực hiện kiên trì, thường xuyên với những mục tiêu và giải pháp cụ thể; Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện công tác CCHC.

Ba là, để thực hiện có kết quả công cuộc CCHC, yếu tố quyết định hàng đầu là hệ thống thể chế, tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, CCHC phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện trong đó cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân.

Năm là, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra công tác CCHC phải được tiến hành thường xuyên nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công.

Sáu là, sự vào cuộc khá đồng bộ và tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần không nhỏ vào kết quả, hiệu quả của công tác cải cách hành chính nhà nước ngành Tài chính.