Nhiều điểm cộng cho nỗ lực cải cách hành chính của ngành Tài chính
Những kết quả trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Tài chính đã góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác CCHC và Công bố Chỉ số CCHC năm 2017 được tổ chức sáng ngày 12/9/2018, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ luôn coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.
Đối với cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước; Sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế; Nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và với vấn đề tài chính; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước...
Thực hiện Nghị định số 87/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đi vào ổn định. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tài chính ngày càng nâng lên. Trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm mới, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; Công tác đánh giá, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được đổi mới và nâng cao chất lượng.
Có thể nói, công tác CCHC của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đặc biệt, những kết quả cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nêu trên của Bộ Tài chính đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2018 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm ngoái (WB thường công bố sớm trước 1 năm theo số liệu ước tính) cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.