6 tháng đầu năm, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng
Nửa đầu năm 2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,5% so với cuối năm 2023 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/6, huy động vốn của các TCTD tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này đạt 3,68%.
Lãi suất tiết kiệm trên thị trường giảm thấp xuống mức đáy khiến lượng tiền vào ngân hàng đi xuống. Mặc dù, thời gian gần đây, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn, tuy nhiên, sức hấp dẫn của kênh đầu tư sinh lời này không còn lớn.
Mức lãi suất 6%/năm xuất hiện tại một số nhà băng như Oceanbank ở mức 6,1%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, OCB huy động 6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng…
Phía cho vay, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng khoảng 4,45% so với đầu năm % (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%), đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm khoảng 15-16%. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, cơ quan điều hành sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đẩy nhanh tốc độ tăng tín dụng là không dễ do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp.
Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính. Các chính sách, theo IMF, nên tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, đòi hỏi cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tổng cục Thống kê cho biết, tại thời điểm tháng 4/2024, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9%-2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8%-5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6%-6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3%-9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...