7 biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá trong năm 2020


Với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4% được Quốc hội đề ra trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã đưa ra phương hướng điều hành giá năm 2020 với 7 biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá cụ thể, chặt chẽ.

Bộ Tài chính sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nhằm thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường giá cả. Nguồn: Internet.
Bộ Tài chính sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nhằm thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường giá cả. Nguồn: Internet.

Dự báo các yếu tố tác động lên mặt bằng giá và xây dựng các kịch bản điều hành giá cho năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, hiện có nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá như việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới tạo nhiều sức ép lên nền kinh tế của Việt Nam năm 2020...

Ở góc nhìn tích cực, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ việc kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 như: Giá cả hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp; giá lương thực trong nước dự báo vẫn sẽ ổn định, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất dự kiến tiếp tục được điều hành ổn định... 

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã đề ra các biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá, trong đó chú trọng đến 07 biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của thiên tai, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.

Thứ hai, tiếp tục làm tốt vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, trong đó, chú trọng công tác tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công… Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Thứ tư, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá trong đó chú trọng nghiên cứu tổng kết đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản hướng dẫn để có cơ sở báo cáo Chính phủ tiến hành sửa đổi Luật (nếu cần thiết).

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục...) theo lộ trình thị trường, tránh gây tác động, xáo trộn lớn về mặt bằng giá.

Thứ bảy, tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu như thịt lợn, lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019, Công điện 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019; chỉ đạo và hướng các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, kết hợp với việc trích lập và sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát; nghiên cứu đánh giá Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung.

Đối với mặt hàng điện, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2020 trên cơ sở Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018, ước thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2019, chi phí dự kiến năm 2020 của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Việc điều chỉnh giá điện phải được tính toán vào thời điểm và liều lượng thích hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng thiết yếu khác như: Dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, dịch vụ giáo dục, dịch vụ BOT, các sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá... Bộ Tài chính sẽ phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nhằm thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường giá cả, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước định giá với mức độ và thời điểm phù hợp, cùng với công tác thông tin truyền thông nhanh chóng, kịp thời và chính xác...