CPI năm 2019 ước tăng 2,73%, thấp nhất trong 3 năm
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng ngày 25/12/2019.
CPI năm 2019 ước tăng 2,73%
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ số lạm phát (CPI) năm 2019 ước tăng 2,73%. Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hằng năm như nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch,...); giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng do nhu cầu và chi phí đầu vào. Trong nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thịt lợn trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt sụt giảm.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong quý IV/2019, CPI các tháng đều tăng so với tháng trước; theo đó tháng 10/2019 tăng 0,59%, tháng 11/2019 tăng 0,96% và tháng 12/2019 ước tăng. Trong năm 2019, mặt bằng giá thị trường biến động theo hướng tăng cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6 và tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá là giá lương thực giảm; giá dầu, gas, viễn thông, đường giảm... Bên cạnh đó là nguyên nhân về công tác điều hành, phối hợp các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả; điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt; chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Như vậy, chỉ số lạm phát thấp hơn mức dự báo của Ban Chỉ đạo từ đầu năm là CPI tăng từ 3,3-3,9%. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%.
Quyết tâm điều hành CPI năm 2020 ở ngưỡng 3,59-3,91%
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2020 trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4%. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo, Chính phủ sẽ quyết tâm điều hành giá theo kịch bản CPI ở ngưỡng 3,59-3,91% mặc dù nhiều khó khăn, thách thức hơn những năm trước.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý không điều hành trong quý I/2020 mà sẽ tính toán điều hành trong quý II/2020 và quý III/2020. Dự báo bình quân quý I/2020 có thể cao, nhưng bình quân sẽ kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra.
Trong dịp cao điểm là Tết Nguyên đán và quý I/2020, quyết liệt thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, tuyệt đối không được để thiếu hàng, sốt giá cục bộ trên tất cả các mặt hàng, không riêng mặt hàng thịt lợn, đảm bảo nguồn cung dồi dào, an ninh lương thực, thực phẩm cho toàn dân. Về thịt lợn và lợn thịt, các bộ, ngành phải chủ động nguồn cung, thực hiện tái đàn…; kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp găm hàng, đầu cơ; tăng cường thông tin cho báo chí, đặc biệt là từ cơ sở.
Giá xăng dầu tiếp tục điều hành theo giá thị trường, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá. Sách Giáo khoa cần sớm có tờ trình cho cơ chế giá trong trường hợp áp dụng cơ chế giá mới. Các mặt hàng thuốc và vật tư y tế, đấu thầu tiếp tục thực hiện, tránh độc quyền. Dịch vụ hàng không cần rà soát kỹ, tránh điều chỉnh gây lạm phát kỳ vọng, trường hợp điều chỉnh cân nhắc.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu các biện pháp tổng thể, hướng dẫn thi hành thực hiện giá đất. Công tác thông tin tuyên truyền cần phát huy kết quả, chủ động kịp thời thông tin có trách nhiệm và minh bạch các thông tin về chi phí đầu vào; tăng cường giám sát thông tin, hạn chế thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tới thị trường; kiểm soát lạm phát kỳ vọng, tạo niềm tin của người dân đối với Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá...