70% dòng kiều hối đang chảy vào sản xuất

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Khoảng 70% lượng kiều hối vẫn chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm nay.

6 tháng đầu năm, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,25 tỷ USD. Nguồn: internet
6 tháng đầu năm, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,25 tỷ USD. Nguồn: internet
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ kiều hối chảy mạnh vào lĩnh vực này là do các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán) chưa phục hồi và lãi suất tiết kiệm giảm mạnh trong thời gian qua.​
 
Với hàng tỷ USD kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được các lãnh đạo ngành ngân hàng cho là nguồn vốn vàng trong lúc này, nhất là khi doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định, nếu được sự hỗ trợ về vốn, cơ hội phát triển sẽ tốt hơn. ​
 
Còn nhớ, thời kỳ chứng khoán tăng vọt vào năm 2008 và sau đó là cơn sốt bất động sản, một lượng lớn kiều hối đã đổ vào hai lĩnh vực này. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực "hút" kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2011. Vì vậy, có thể thấy, sự biến động của thị trường đầu tư này ảnh hưởng rất lớn đến "dòng chảy" kiều hối. Đáng chú ý, trong năm 2010 - 2012, khi lạm phát của Việt Nam tăng cao, 17 - 19%, NHNN buộc phải nâng lãi suất tiết kiệm để hút tiền vào. Lãi suất tiết kiệm tăng, nhất là với lãi suất tiền gửi ngoại tệ cũng đã thu hút lượng lớn kiều hối từ nước ngoài gửi về Việt Nam để nhờ người thân gửi tiết kiệm.

Chứng khoán, bất động sản và lãi suất đều giảm mạnh trong hơn 2 năm qua cũng đồng nghĩa với lượng kiều hối chảy ngược ra khỏi lĩnh vực này, nhưng lại đi vào sản xuất - kinh doanh, chiếm gần 70% tổng kiều hối trong 2 năm qua. Kiều hối vào lĩnh vực bất động sản năm 2013 chiếm khoảng 21%, song theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đang có dấu hiệu cải thiện.​
 
Tuy thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, song với tác động từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng và việc giảm mạnh lãi suất, ngân hàng đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, nếu phục hồi được hoạt động bất động sản và chứng khoán sẽ không những tăng lượng kiều hối mà còn cả những nguồn vốn nước ngoài khác. Qua đó, tác động kép tạo sức hút đầu tư nước ngoài. ​
 
Cũng theo ông Minh, 6 tháng đầu năm, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,25 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt gần 5 tỷ USD. Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8 và quay trở lại mùa cao điểm vào tháng 12 hàng năm.​
 
Theo nhận định của Công ty Kiều hối Đông Á, lượng kiều hối trong mùa Tết có thể tăng đến 35% so với trung bình các tháng trong năm, do nền kinh tế ở các nước phát triển đang phục hồi nên thu nhập của người Việt tại các nước Mỹ, Úc, Canada… đang dần ổn định, nhờ vậy các kiều bào sẽ gửi tiền về nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động xuất khẩu đang được duy trì và tăng trưởng ổn định cũng sẽ góp phần lớn vào lượng kiều hối về Việt Nam.​
 
Doanh số chi trả kiều hối của Công ty Kiều hối Đông Á đạt 1,6 tỷ USD trong năm qua và Công ty dự kiến doanh số chi trả trong năm nay sẽ đạt mức tăng khoảng 20%. ​
 
Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, kiều hối chuyển về Việt Nam qua Công ty đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch Sacombank đưa ra cho năm nay ước đạt doanh số chi trả kiều hối ở mức 1,9 USD, ngang bằng với năm trước.​
 
Năm qua, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối tại Việt Nam vẫn khả quan. Theo Báo cáo di cư và phát triển vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất, với 11 tỷ USD. Các dự báo được đưa ra, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay và thực tế cho thấy, doanh số chi trả kiều hối qua các ngân hàng thương mại 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước.​
 
Các thị trường kiều hối tiềm năng của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống tại Bắc Mỹ, Úc. Riêng tại Đông Á, doanh số kiều hối từ các thị trường này tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng doanh số. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông, bao gồm cả Việt kiều và người lao động xuất khẩu, đa số đang sinh sống và làm việc tại các nước phát triển.

Chính sách của Nhà nước về khuyến khích kiều bào về nước đầu tư và chính sách cho việc nhận kiều hối khá thông thoáng. Người nhận kiều hối được nhận trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ. Tuy nhiên, người nhận kiều hối chủ yếu chuyển sang VND, do tỷ giá ngoại tệ thời gian qua được NHNN duy trì ổn định.​