70 năm xây dựng và phát triển hệ thống thuế nhà nước
Ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL lập ra Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Quyết định này là cơ sở pháp lý và là tiền đề cho ngành Thuế Việt Nam ra đời và phát triển. Ngày 06/08/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 9 là “Ngày Truyền thống của ngành Thuế Việt Nam” ghi nhận sự cống hiến và bề dày thành tích của hệ thống Thuế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những dấu mốc quan trọng của hệ thống Thuế Nhà nước gắn liền với sự phát triển của đất nước có thể chia thành các giai đoạn:
- Giai đoạn 1945-1955: Trong những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trước yêu cầu chi cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và ổn định đời sống nhân dân, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ quyết định xoá bỏ những chính sách nô dịch của chế độ thực dân phong kiến (thuế thân; chế độ độc quyền muối, rượu, thuốc phiện) để khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất... Các chủ trương, chính sách và biện pháp tài chính, tiền tệ giai đoạn này đã khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, nhờ đó số thu NSNN đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu cấp bách của chính quyền cách mạng non trẻ và tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
- Giai đoạn 1956-1975: Chính phủ ban hành một hệ thống thuế hoàn chỉnh và áp dụng thống nhất trên toàn miền Bắc (gồm có thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật và 12 loại thuế thu bằng tiền) như: thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức, thuế buôn chuyến, thuế hàng hóa, thuế sát sinh, thuế kinh doanh nghệ thuật... Thời gian 1966-1975 là thời kỳ cải tạo và xây dựng CNXH ở miền Bắc, các loại thuế chủ yếu được điều chỉnh để phù hợp với tình hình trong giai đoạn này. Nguồn thu từ khu vực quốc doanh, tập thể và cá thể góp phần động viên cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Giai đoạn này phải kể đến các nguồn thu từ ngoài nước như: viện trợ và vay nước ngoài. Bình quân năm từ 1961-1965 là 29% tổng thu NSNN; 1966-1970 là 60,6% và 1971-1975 là 60,3%. Với nỗ lực liên tục và bền bỉ của toàn ngành Thuế, cũng như sự ủng hộ của nhân dân đã góp phần quan trọng cho công cuộc kiến thiết miền Bắc, giải phóng miền Nam, đóng góp một phần vào thắng lợi chung của cả nước.
- Giai đoạn 1976-1989: Ngành Thuế đã tham mưu sửa đổi, cải tiến chính sách động viên và tạo nguồn thu trong nước, kết hợp với tranh thủ nguồn vốn nước ngoài dưới hình thức viện trợ, vay nợ, góp phần đóng góp cho NSNN có số thu ngày càng tăng, trong đó tỷ trọng thu trong nước giai đoạn 1976-1980 là 60,8% đã tăng lên 77,5% trong giai đoạn 1981-1985, tỷ trọng số thu ngoài nước đã giảm tương ứng từ 39,2% xuống còn 22,5%.
- Giai đoạn 1990- 2000 là thời kỳ cải cách thuế bước I. Hệ thống thuế cả nước tổ chức theo một hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức: Thuế Nông nghiệp; Thuế Công thương nghiệp và Thu Quốc doanh thành một đầu mối thống nhất là Tổng cục Thuế, chính thức đi vào hoạt động từ 01/10/1990 (Nghị định 281/HĐBT ngày 07/08/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ). Đa phần các sắc thuế đã được nâng lên thành luật như: Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế Doanh thu, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt... Từ 01/01/1999 lần đầu tiên Việt Nam đưa Luật thuế Giá trị gia tăng vào áp dụng thay cho Thuế doanh thu tồn tại mấy chục năm, đánh dấu một bước cải cách lớn về thuế ở Việt Nam.
- Giai đoạn 2001-2015 là thời kỳ cải cách thuế bước II. Giai đoạn này được chia ra hai thời kỳ: thời kỳ từ 2001-2010 thực hiện cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế. Luật Quản lý thuế ra đời và có hiệu lực từ 01/07/2007 đánh dấu một bước cải cách toàn diện về quản lý thuế theo hướng hiện đại, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Trong thời kỳ 2011-2015, ngành Thuế đã và đang từng bước thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ- TTg (năm 2011) nhằm đạt được mục tiêu: Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.
Những kết quả đạt được trong công tác quản lý thu thuế đã góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đề ra. Số thu qua các năm đã vượt mức dự toán được Quốc hội, Chính phủ giao, năm sau cao hơn năm trước, góp phần đảm bảo cân đối thu - chi của Nhà nước. Tổng thu do ngành Thuế quản lý tăng dần qua các năm, đến nay đã chiếm hơn 80% so với tổng thu NSNN. Cụ thể, tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý đạt hơn 385 ngàn tỷ (1990 – 2000), bằng 15,3% so với GDP, chiếm 72,8% trong tổng thu NSNN.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng trao tặng các danh hiệu thi đua tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến ngành Thuế và bàn biện pháp thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế (năm 2004)
Trong thời kỳ 2001-2010 tổng thu nội địa đã đạt 2.229,3 ngàn tỷ đồng, bằng 20% so với GDP, chiếm 77,5% trong tổng thu NSNN, gấp 5,8 lần thời kỳ 1990-2000. Giai đoạn 2011-2014 tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý đạt 2.543 ngàn tỷ đồng, bằng 110,5% dự toán pháp lệnh; tốc độ tăng thu bình quân đạt 11,5%/năm, chiếm 81% trong tổng thu NSNN. Quy mô thu ngân sách của các địa phương ngày càng tăng cao, số địa phương có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng đến năm 2014 đạt 58/63 địa phương; 13 địa phương đã tự cân đối được thu chi trên địa bàn và có điều tiết số thu về ngân sách Trung ương. Cơ cấu thu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng dần qua các năm, bảo đảm cân đối thu – chi NSNN, phù hợp với quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, ngành Thuế tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 70 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ, nâng tổng số lên 72 Hiệp định.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, hành trình của ngành Thuế gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước, thế hệ đi trước truyền kinh nghiệm, truyền lửa cho thế hệ sau, để thành công nối tiếp thành công trên nhiều mặt trong công tác thuế. Đó là kết tinh của quá trình kiên trì phấn đấu, miệt mài lao động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn; tâm huyết, tận tâm, tận lực phục vụ công tác quản lý thu của mỗi cán bộ ngành Thuế. Đó cũng là kết quả chung của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Với những thành tích này, những năm qua ngành Thuế đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý nhất; các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngành Thuế Việt Nam từng bước tiến lên hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện thành công cam kết của Ngành: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nguyên Bộ trưởng Hồ Tế và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Thuế qua các thời kỳ và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Thuế (năm 2005)
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nguyên Bộ trưởng Hồ Tế và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (năm 2010)
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về chính sách thuế và hải quan (năm 2011)
Tổng cục Thuế họp báo phổ biến, trao đổi về chính sách thuế mới
Tổng cục Thuế tổ chức hội thảo, tọa đàm phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử
Tổng cục Thuế và các Cục Thuế địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên dương, vinh danh tổ chức và cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế