Thành tựu tài chính - ngân sách qua 30 năm đổi mới
Từ sau năm 1986, khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, công tác tài chính - ngân sách trải qua 30 năm đã thu được những thành tựu vượt bậc: Hệ thống chính sách động viên ngân sách nhà nước được rà soát và hoàn thiện; điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô; tiềm lực tài chính - ngân sách không ngừng được tăng cường...
Hệ thống chính sách động viên ngân sách được rà soát và hoàn thiện
Sau 30 năm đổi mới, hệ thống chính sách quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) đã từng bước được hoàn thiện. Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi năm 1998 và 2002), theo đó phân định rõ về nguồn thu và nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc lập, phê chuẩn và quyết toán NSNN; thực hiện thay đổi một cách căn bản phương thức quản lý NSNN.
Tiếp đó, việc hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách thuế, hải quan, kho bạc đã được chú trọng, làm đòn bẩy kích thích và hướng dẫn sản xuất, kinh doanh; bảo đảm nguồn thu ngân sách và điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội; xây dựng bộ máy và phương thức thu ngân sách có hiệu lực, hiệu quả; đánh giá đúng và khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản, tài nguyên quốc gia, nâng dần tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào ngân sách.
Đặc biệt, cải cách hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách đã thể hiện tính tiên phong đi đầu trong quá trình đổi mới. Hệ thống chính sách thuế đã trở thành công cụ quan trọng trong quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Hệ thống chính sách thuế đã được quy định khá đầy đủ, rõ ràng, công khai, minh bạch, bao quát hết các nguồn thu chủ yếu của NSNN, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và đảm bảo nguồn tài chính cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước
Trong giai đoạn 1986 - 1990, chi NSNN đã tăng cao trong khi nguồn thu lại khan hiếm, làm thâm hụt NSNN, do đó, chính sách tài khóa đã được điều hành theo hướng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực thiết yếu, trọng điểm của nền kinh tế, phục vụ quốc kế dân sinh. Bước vào giai đoạn từ năm 1991 - 1995, tình hình kinh tế đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất và lưu thông hàng hóa đã có động lực mới, tình trạng thiếu lương thực đã được giải quyết căn bản, lạm phát phi mã đã được đẩy lùi nhưng lạm phát cao vẫn còn, điều hành chính sách thu - chi NSNN theo hướng thay đổi chi theo hướng tích cực, tăng cường nguồn thu trong nước để đủ cho chi thường xuyên, tình trạng đi vay hoặc dựa vào phát hành cho chi thường xuyên đã chấm dứt.
Giai đoạn 2006 - 2008, khi lạm phát tăng lên hai con số và nền kinh tế cần phải xử lý một số bất ổn vĩ mô, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh theo hướng thận trọng; tập trung vào việc tăng cường, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công; giảm chi phí hành chính, giảm nhập siêu... Ngược lại, đến giai đoạn 2008 - 2010, chính sách tài khóa được nới lỏng thông qua kích thích đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó đã đưa Việt Nam thoát khỏi tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đến giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế thế giới do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bất ổn chính trị trên thế giới… khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Do vậy, chính sách tài khóa giai đoạn này đã được điều hành theo hướng chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (năm 2012 và 2013), giảm nợ xấu, giúp doanh nghiệp quay vòng nhanh sản xuất, kinh doanh.
Tiềm lực tài chính - ngân sách được tăng cường
Qua gần 30 năm đổi mới, quy mô thu NSNN đã tăng dần theo các năm. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN năm 2000 bằng 8,77 lần so với năm 1991; năm 2010 bằng 5,67 lần so với năm 2001 và năm 2015 bằng khoảng 1,3 lần so với năm 2011. So với GDP (theo giá hiện hành), tỷ lệ huy động vào thu NSNN bình quân giai đoạn 1991 - 2000 là 20,5% GDP, trong đó huy động từ thuế và phí là 18,4% GDP; giai đoạn 2001 - 2010 các tỷ lệ này lần lượt là 25,5% GDP và 22,4% GDP; giai đoạn 2011 - 2015 là 22 - 23% GDP. Cùng với sự mở rộng về quy mô, cơ cấu thu ngân sách cũng được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Thu NSNN từ các sắc thuế gắn trực tiếp với sản xuất, kinh doanh trong nước trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong tổng thu NSNN. Cụ thể, trong giai đoạn 1991 - 2015, tỷ trọng thu thuế thu nhập DN trong tổng thu NSNN đã tăng từ 21,4% năm 1991 lên 24,9% năm 2015 (theo số dự toán); thuế thu nhập cá nhân từ 0,6% lên 5,62% (theo số dự toán); thuế giá trị gia tăng từ 19,6% lên hơn 30,9% (theo số dự toán)... Kết quả này đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tích luỹ nền kinh tế ngày càng mở rộng.
Ngày 10/3/2002, Tổ hợp khí - điện - đạm Cà Mau được khởi công xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tổ hợp tác động trực tiếp đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực và bền vững: Tỷ trọng số thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng lên từ 58,9% giai đoạn 2006 - 2010 lên 67,8% giai đoạn 2011 - 2015 (riêng năm 2015 tỷ trọng này khoảng 70%); tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN giảm dần.
Cùng với phát triển nguồn thu và chống thất thu NSNN, việc nuôi dưỡng nguồn thu cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tài chính - ngân sách nhằm tăng tính ổn định của nguồn thu trong tương lai.
Tổng chi NSNN đã tăng từ 24,4% GDP giai đoạn 1991 - 2000 lên 29,3% GDP giai đoạn 2001 - 2010 và 28,4% giai đoạn 2011 - 2015, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN tăng từ 25,9% GDP giai đoạn 1991 - 2000 lên 30% giai đoạn 2001 - 2010. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giai đoạn 2011 - 2015 đã từng bước tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng chi cho con người (tăng chi cải cách tiền lương và an sinh xã hội), tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN giai đoạn này đạt khoảng 23%; kể cả nguồn đầu tư từ trái phiếu chính phủ, xổ số kiến thiết, chi đầu tư phát triển giai đoạn này đạt khoảng 30,7% GDP.
Hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây chính thức thông xe ngày 20/11/2011. Đây là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Đây là hầm dìm dài nhất Đông Nam Á có tổng chiều dài 1.490m, bề rộng 33m với quy mô 6 làn xe và 2 đường thoát hiểm. Trên toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây có tổng cộng 11 cầu, 2 nút giao lớn với tổng chiều dài 3,2km và 8 cầu bộ hành được xây dựng mới.
Bên cạnh đó, qua 30 năm đổi mới, quá trình phân cấp ngân sách đã được hoàn thiện hơn. Phân cấp ngân sách được thực hiện khá sớm theo Nghị định số 168-CP ngày 20/10/1961 của Hội đồng Chính phủ, sau đó được Luật hóa trong Luật NSNN năm 1996, Luật NSNN năm 2002 và Luật NSNN năm 2015. Kết quả là, chính quyền địa phương được quy định nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương trong phạm vi được phân cấp nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện của từng địa phương; quyết định định mức phân bổ ngân sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách trên cơ sở hướng dẫn và khung quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành; quyết định một số nội dung trong quy trình ngân sách như quyết định phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách địa phương.
Đồng thời, việc quy định thời kỳ ổn định ngân sách từ 3 - 5 năm, ổn định tỷ lệ phân chia và số bổ sung cân đối trong thời kỳ ổn định ngân sách, trao quyền vay nợ cho chính quyền địa phương trong giới hạn xác định cũng đã giúp chính quyền địa phương phát ngày càng tốt hơn tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn thu, chủ động cân đối ngân sách, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương…
Đường dây 500 KV Bắc - Nam mạch 2. Ngày 23/10/2005, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức đưa vào vận hành toàn bộ mạch 2 đường dây 500 KV Bắc - Nam, đây là nhân tố quan trọng nhất của hệ thống điện quốc gia với việc hợp nhất lưới điện bền vững ba miền Bắc - Trung - Nam.
Phân bổ các nguồn lực tài chính được đảm bảo theo các ưu tiên; thực hiện công khai, minh bạch; xóa bỏ dần tình trạng bao cấp của NSNN
- Vốn đầu tư phát triển từ NSNN đã được tập trung ưu tiên cho các dự án kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, các chương trình mục tiêu quan trọng và vùng trọng điểm, qua đó, tạo sự lan tỏa ra toàn nền kinh tế. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chi NSNN tập trung ưu tiên bố trí các lĩnh vực: Chi giáo dục đào tạo đạt 20% tổng chi NSNN, chi khoa học công nghệ cơ bản đạt 2%, bảo vệ môi trường đạt 1% và ưu tiên tăng chi quốc phòng, an ninh để đảm bảo giữ vững an ninh, chủ quyền lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội.
Chi cải cách tiền lương và chi an sinh xã hội cũng là mục tiêu ưu tiên trong bố trí chi NSNN. Giai đoạn 2006 - 2010, nhất là từ năm 2008 khi nền kinh tế nước ta rơi vào nguy cơ suy giảm, lạm phát cao, đời sống nhân dân khó khăn, nhiều chính sách an sinh xã hội được ban hành, mức tăng chi cho an sinh xã hội bình quân trên 33%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu, chi NSNN nói chung; đồng thời, NSNN đã dành nguồn để thực hiện 4 lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng giá trong cùng thời kỳ. Giai đoạn 2011 - 2015 nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn, NSNN tiếp tục ưu tiên dành nguồn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tiếp tục 4 lần điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng giá. Việc thực hiện các chính sách tiền lương và an sinh xã hội đã góp phần cải thiện đời sống người lao động hưởng lương từ NSNN và các đối tượng chính sách, tạo niềm tin của xã hội vào Đảng và Nhà nước.
Ngày 23/12/2012, thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã chính thức khánh thành tại thị trấn Mường La, tỉnh Sơn La, với công suất lắp đặt 2.400MW (gồm 6 tổ máy), cung cấp hơn 10 tỷ kWh/năm. Công trình thủy điện Sơn La về đích trước thời hạn 3 năm so với dự kiến. Đây là công trình thủy điện do Việt Nam tự thiết kế, thi công.
- Việc phân bổ nguồn lực chi NSNN đã hướng tới việc đảm bảo tính hiệu quả, tính công khai, minh bạch và công bằng. Trong đó, phân bổ nguồn lực NSNN đã dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí minh bạch có tính đến đặc thù từng lĩnh vực, vùng, miền và đối tượng… Cùng với đó là quá trình đổi mới tư duy về kinh tế, chính sách chi NSNN cũng trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, phụ thuộc vào các ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
- Xóa bỏ dần tình trạng bao cấp qua DNNN và các đơn vị sự nghiệp công; khuyến khích các đối tượng tham gia đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Chính sách chi ngân sách đã được đổi mới theo hướng giảm dần sự bao cấp của NSNN, đặc biệt là chế độ bao cấp đối với các DNNN và các đơn vị sự nghiệp công. Nhà nước đã thực hiện tách bạch giữa hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữa hoạt động quản lý hành chính và hoạt động sự nghiệp. Theo đó, tài chính nhà nước và tài chính doanh nghiệp đối với các DNNN đã dần được phân định rõ; điển hình là Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý tài chính khu vực hành chính sự nghiệp cũng được đổi mới nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tiết kiệm chi NSNN để dành nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ chế khoán chi hành chính đã được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước và hỗ trợ quá trình tinh giản biên chế. Đối với các đơn vị sự nghiệp, cơ chế tự chủ về tài chính bên cạnh tự chủ về bộ máy, về nhân lực là động lực thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp đổi mới phương thức hoạt động nhằm cung ứng tốt hơn dịch vụ công cho xã hội. Nhà nước cũng thực hiện xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ công, tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển thị trường các dịch vụ công, giảm dần sự bao cấp của NSNN.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khánh thành ngày 6/1/2011, theo hình thức Việt Nam tự đầu tư, xây dựng trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước. Ngày 23/1/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn công bố dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác tài chính - ngân sách đã góp phần ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sau đổi mới, điều hành NSNN đã đảm bảo nguồn lực để trợ giá, trợ cước một phần cho những mặt hàng cần bình ổn giá, cũng như người dân sinh sống tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; đảm bảo sự hài hòa trong tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu; góp phần vào việc bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Hình thành kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế
Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thị trường tài chính và thị trường dịch vụ tài chính đã được nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành. Quy mô thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, từng bước đóng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Trong giai đoạn 2001 - 2005, vốn hóa thị trường chỉ đạt 0,6% GDP, năm 2006 đã đạt mức 23% GDP và đến năm 2007 đạt mức 43% GDP và kể từ năm 2009 đến nay quy mô vốn hóa tuy có nhiều biến động, song, vẫn đạt khoảng 30% GDP. Đặc biệt, sự phát triển của thị trường trái phiếu (tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu đạt mức 21,77% GDP), đã giúp huy động nguồn lực cho NSNN ở trong và ngoài nước hiệu quả.
Đến hết năm 2014, đã có 61 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm với tổng doanh thu ngành bảo hiểm ước đạt 53.682 tỷ đồng, tương đương khoảng 2% GDP. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tạo lập nguồn vốn lớn và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ngày càng hoàn thiện
Thị trường kế toán, kiểm toán, tư vấn thẩm định giá, tư vấn thuế, đại lý hải quan đã được hình thành và từng bước phát triển. Cùng với đó là hoạt động kiểm toán độc lập cũng góp phần vào lành mạnh hóa môi trường đầu tư, công khai, minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp. Các chủ thể tham gia trên thị trường phát triển đa dạng hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thuộc nhiều thành phần sở hữu khác nhau.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh
Các quy định về thủ tục hành chính và quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính - NSNN đã dần được chuẩn hóa theo hướng đồng bộ, đơn giản. Hệ thống quản lý thu NSNN đã được bố trí theo hướng bao quát rộng khắp trên toàn quốc; đến tận các địa phương thông qua các tổ, đội thuế; đến tận các cửa khẩu thông qua các chi cục hải quan cửa khẩu… Qua đó nhằm phục vụ tốt việc đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế với Nhà nước; làm giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Quy trình ngân sách được cải tiến theo hướng đổi mới, các khâu của quá trình quản lý ngân sách, công nghệ thông tin được áp dụng ở tất cả các khâu từ việc lập, chấp hành và quyết toán NSNN, theo đó rút ngắn chu trình ngân sách hơn, tạo điều kiện cho các cấp địa phương có thời gian trong thực hiện. Dự toán và quyết toán ngân sách từ sau đổi mới mang tính khép kín, nay đã công khai minh bạch quy trình về thu, chi ngân sách tại các cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước. Sự liên kết giữa cơ quan thu ngân sách với hệ thống ngân hàng thương mại đã được đẩy mạnh, góp phần đẩy nhanh quá trình thu và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế nộp tiền vào ngân sách.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính được tăng cường
Công tác kiểm tra, thanh tra được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực gắn với việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế, hải quan, nợ công, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm đã từng bước được kiện toàn, góp phần đảm bảo kỷ luật tài chính.
Đồng thời, cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm tra cũng được hoàn thiện từng bước, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.