Hải quan Bình Dương:
8 giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo lĩnh vực hải quan
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là một công cụ được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xây dựng năm 2007. Là bộ công cụ để đánh giá, đo lường và xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia hoặc nền kinh tế.
Nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/207 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 định hướng đến 2020, UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, góp phần cùng cả nước đạt chỉ số đổi mới sáng tạo ở mức trung bình ASEAN 5 (gồm 5 nước là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipines và Indonesia) các nhóm chỉ tiêu về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, trình độ phát triển thị trường-kinh doanh, sản phẩm kiến thức công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Xây dựng Bình Dương trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp “ Thành phố thông minh”…
Để góp phần cải thiện, từng bước nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà, đồng thời tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch thực hiện với 8 giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục cải cách hiện đại hóa, đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử, tiếp tục giảm thời gian thông quan theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.
Hai là, tăng cường công tác quản lý thuế, trị giá hải quan. Phấn đấu đạt chỉ tiêu thu NSNN do Bộ Tài chính giao là 11.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn không quá 1% so với tổng thu. Thường xuyên tuyên truyền, đào tạo, giải đáp vướng mắc về thuế cho người khai hải quan. Hướng tới ký kết thỏa thuận thu với 100% ngân hàng trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường kiểm tra đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp qua hoạt động kiểm tra sau thông quan. Tiếp tục rà soát, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ. Cụ thể là duy trì hệ thống VNACCS/VCIS hoạt động ổn định; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia; tập trung triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính; tiến tới vận hành chính thức phần mềm ứng dụng nội bộ.
Năm là, áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Đảm bảo tỷ lệ phân luồng đỏ với tờ khai xuất nhập khẩu không quá 6%.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn vững vàng đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, Cục cũng chú trọng việc tăng cường kỷ cương kỷ luật, xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bảy là, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động, công tác cải cách hiện đại hóa.
Tám là, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp.