8 tháng, thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh đạt 63,4% dự toán

Thanh Sơn

Báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố trong 8 tháng năm 2023 ước thực hiện được 297.993 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh vẫn có điểm sáng, khi có hai khu vực kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh vẫn có điểm sáng, khi có hai khu vực kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ.

Xu hướng sụt giảm các khoản thu chính

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều áp lực do các điều kiện kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều tín hiệu phục hồi. Các khoản thu chính đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa giảm 2,6%, thu từ dầu thô giảm 20% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 13%.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 199.586 tỷ đồng, đạt 64,9% dự toán, chiếm 67% tổng thu cân đối và giảm 2,6% so với cùng kỳ. Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 20.085 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán, chiếm 6,7% tổng thu và giảm 6,5%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 60.154 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 20,2% tổng thu và tăng 8,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 48.903 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 16,4% tổng thu và tăng 2%.

Thu dầu thô ước thực hiện 16.083 tỷ đồng, dù vượt 0,5% dự toán, nhưng vẫn giảm tới 20% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 82.320 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán, chiếm 27,6% tổng thu cân đối và giảm 13%.

Năm 2023, Trung ương và Hội đồng Nhân dân Thành phố giao cho TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách gần 470.000 tỷ đồng. Theo bà Phan Thị Hồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, dự toán thu ngân sách năm 2023 của Thành phố tăng 20% so với năm 2022, tuy nhiên 8 tháng thu mới chỉ đạt 93,24% so với cùng kỳ. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, ngành Tài chính TP. Hồ Chí Minh phải theo dõi sát tình hình thu chi, triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, chống trốn thuế, gian lận thương mại.

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 53.866 tỷ đồng, đạt 42,6% dự toán và tăng 43,2%. Trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách địa phương ước thực hiện 10.223 tỷ đồng, đạt 22,2% dự toán và tăng 17,1%; chi thường xuyên ước thực hiện 31.944 tỷ đồng, đạt 53,1% dự toán và tăng 16,2%, gồm chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 12.135 tỷ đồng, đạt 57,7% dự toán và tăng 38,3%; chi cho sự nghiệp y tế ước thực hiện 2.005 tỷ đồng, đạt 31,8% dự toán và giảm 25,7%; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 496 tỷ đồng, đạt 51,6% dự toán và giảm 13,9%.

Tuy vậy, bức tranh thu ngân sách nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh vẫn có điểm sáng, khi có hai khu vực kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Đó là thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 60.154 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 20,2% tổng thu và tăng 8,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 48.903 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 16,4% tổng thu và tăng 2%.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu

Theo ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khiến hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm quy mô sản xuất, sa thải nhiều lao động... Do đó, Sở Tài chính Thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện tham mưu, xây dựng thực hiện chính sách để phát huy nhanh chóng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của để tăng nguồn thu.

Đồng thời, rà soát tăng nguồn thu từ đất để tạo nguồn lực bố trí chi đầu tư trên địa bàn; yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để quyết toán đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực khơi thông kích cầu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Song song đó, tiếp tục triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử. Đối với cơ quan thuế và hải quan sẽ tiếp tục rà soát phân loại nợ thuế, thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế…