8 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.124 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, giảm 8,8% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8/2023 ước đạt 88 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, bằng 59,5% (giảm 60 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 7 tháng đầu năm. Trong đó, thu nội địa ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán.
Số thu nội địa tháng 8 giảm khoảng 50,9 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường xuất khẩu khó khăn; kết hợp với thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách...
Thu từ dầu thô tháng 8/2023 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 11,8 nghìn tỷ đồng.
Với kết quả này, lũy kế 8 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, giảm 8,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 931 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2022; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 69,6% dự toán, giảm 0,3% so cùng kỳ.
Đến hết tháng 8, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán. Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 70,3% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 48% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) đạt khá so dự toán và tăng 23,4% so cùng kỳ do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định, thì số thu của 03 khu vực này chỉ bằng 91,6% cùng kỳ.
Thu từ hoạt động sổ số kiến thiết ước đạt 84% dự toán, tăng 20,1% so cùng kỳ; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 94,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 70,9% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 118,8% dự toán, tăng 75,5% so cùng kỳ.
Có 03 khoản thu không đạt tiến độ dự toán, gồm: thu thuế bảo vệ môi trưởng ước đạt 37,2% dự toán, giảm 32,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 63,4% dự toán, giảm 12,2% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 45,6% dự toán, giảm 54,2% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán; 09/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 54 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Cũng theo Bộ Tài chính, thu từ dầu thô 8 tháng ước đạt khoảng 39,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% dự toán, giảm 25,1% so cùng kỳ năm 2022. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 153,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán, giảm 23,2% so cùng kỳ năm 2022.
Số thu từ xuất nhập khẩu suy giảm do hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15/8/2023 đạt 402,6 tỷ USD, giảm 13,4%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 19,9% so cùng kỳ.
Các mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này, như: xăng dầu giảm 6,1% (trong đó dầu diesel giảm 11,2%, nhiên liệu bay giảm 25,4%), chất dẻo nguyên liệu giảm 30,9%, hóa chất giảm 31,8%, sắt thép giảm 30,3%, điện thoại và linh kiện giảm 22,1%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 19,6%; máy vi tính và sản phẩm điện tử giảm 36,3%, linh kiện ô tô và phụ tùng giảm 35%...