9 biện pháp mạnh để tăng tốc giải ngân các nguồn vốn ngân sách
(Tài chính) Những biện pháp được đề ra để đẩy nhanh công tác giải ngân trong những tháng cuối năm, sau khi Bộ Tài chính tổng kết lại những khúc mắc trong cuộc họp với 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp.
Chín biện pháp mạnh
Theo đó với biện pháp đầu tiên, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các địa phương có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo, thực hiện rà soát lại các nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách đã được ban hành làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải ngân vốn. Qua đó, kịp thời có ý kiến bằng văn bản về Bộ Tài chính hoặc phản ánh qua hộp thư điện tử của Bộ Tài chính để nghiên cứu có hướng dẫn hoặc báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định.
Hai là, các địa phương cần rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2014. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc trong phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư.
Ba là, đối với các nguồn vốn bổ sung trong năm (như vốn ứng trước kế hoạch năm 2014, vốn bổ sung từ nguồn dự phòng và các nguồn vốn bổ sung khác), đề nghị các địa phương khẩn trương phân bổ ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng.
Bốn là, Bộ Tài chính cũng đề nghị phải tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, xử lý ngay các vướng mắc, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư và các thủ tục đấu thầu, nhất là các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán; khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu nghiệm thu A-B và thủ tục thanh toán vốn.
Năm là, các địa phương phải định kỳ tổ chức giao ban, kiểm điểm về tình hình thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư để thúc đẩy việc giải ngân vốn nhanh, hết kế hoạch giao. Đồng thời cần có các biện pháp để các chủ đầu tư cam kết thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao và có chế tài xử lý nếu các chủ đầu tư không thực hiện hết kế hoạch vốn.
Sáu là, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải có quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án hoàn thành, có khả năng thực hiện theo quy định.
Bảy là, lãnh đạo các tỉnh cần chỉ đạo các Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước, chủ đầu tư và các sở, ban, ngành thực hiện thanh toán vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ theo đúng quy định hiện hành và các văn bản của Bộ Tài chính.
Tám là, Kho bạc nhà nước địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo giải ngân hàng tháng, hàng quý. Số liệu này phải được thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Chín là, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt cần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại cấp quận. huyện, xã, phương, thị trấn.
Cùng vào cuộc
Là cơ quan quản lý các nguồn vốn NSNN, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số biện pháp cho mình.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát các nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách để phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương kịp thời có hướng dẫn thực hiện hoặc đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân trong các tháng cuối năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác kiểm tra cũng như tiếp tục thực hiện công khai số liệu giải ngân để giúp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thấy được mức độ giải ngân của đơn vị mình, từ đó tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư năm 2014.
Về phía Kho bạc nhà nước cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán, kịp thời báo cáo ngay những vấn dề vượt thẩm quyền để Bộ Tài chính xem xét, giải quyết; thực hiện tốt công tác thanh toán theo quy định.