Giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

ThS. Đinh Hải Phong - Học viện Tài chính

Cả nước hiện mới có hơn 13,4 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động. Con số này còn quá thấp so với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, Việt Nam, đạt được 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Để phát triển đối tượng tham gia BHXH, một trong các giải pháp được đánh giá cao là việc đưa ra nhiều gói BHXH để tăng tính linh hoạt, thuận lợi cho người lao động lựa chọn theo mức thu nhập dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng ít và không bền vững

Theo BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc của lao động Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với khu vực. Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy, đa số người lao động chân tay không muốn kéo dài tuổi làm việc và rất nhiều lao động muốn hưởng BHXH một lần. Đây là những thách thức đối với mục tiêu 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020, như Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban thực hiện Chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, mặc dù thời gian qua, số người tham gia BHXH có tăng, song không nhiều và không bền vững. Mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 lao động rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận BHXH một lần, làm cho con số thực tế tăng không đáng kể.

Nguyên nhân một phần là do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức diễn ra chậm, nên số lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều. Ngoài ra, nhiều DN phải giải thể, phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động.

Số DN tăng mới nhiều, song quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa tốt trong khi cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng khi bị ngừng việc, người lao động muốn thanh toán ngay, không muốn tiếp tục kéo dài, ngay cả những người đã tham gia bảo hiểm cũng không muốn kéo dài thời gian được đóng BHXH.

Nghĩa là họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, không nghĩ tới lợi ích lâu dài, nên mới có chuyện gần 10.000 người kiến nghị Thủ tướng muốn thanh toán một lần. “Người lao động cho rằng phải đóng bảo hiểm, còn người làm chính sách thì cho rằng được đóng bảo hiểm. Cách hiểu giữa người lao động với những người phải thực thi chính sách còn rất khác nhau”, ông Thọ nhận định.

Phát triển các gói BHXH linh hoạt thu hút người dân

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ năm 2016 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội cho người lao động tham gia để được bảo đảm quyền lợi, nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành BHXH.

Để phát triển đối tượng tham gia BHXH, một trong các giải pháp được đánh giá cao là việc đưa ra nhiều gói BHXH để tăng tính linh hoạt, thuận lợi cho người lao động lựa chọn theo mức thu nhập dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm. Hiện nay, người lao động có thể chọn đóng theo từng tháng, đóng một lần cho cả năm hay đóng gộp cho quãng thời gian còn thiếu… với nhiều mức khác nhau.

Từ năm 2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH cho 3 đối tượng: Hộ nghèo nông thôn với 30% mức đóng, hộ cận nghèo 25% mức đóng và các nhóm khác 10%. Với 30% tương đương 46.200 đồng, mức hỗ trợ nói trên tuy rất khiêm tốn, song trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ra các gói BHXH linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng để người dân lựa chọn. Với BHXH tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tùy theo mức thu nhập dùng làm căn cứ đóng. Hiện nay, người lao động có thể đóng linh hoạt theo thời gian, đóng một lần cho những năm về sau hay đóng gộp cho quãng thời gian còn thiếu… với nhiều mức cao thấp khác nhau.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới giải pháp trọng tâm là tuyên truyền để chủ DN nhận thức được trách nhiệm pháp lý, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. “BHXH là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài.

Vì vậy, phải tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động hiểu được vấn đề này, vì bảo hiểm cho người lao động chính là bảo hiểm cho chính DN, chính mình. Phối hợp với chính quyền địa phương để thông tin rộng rãi tới nhân dân và người lao động, như vậy BHXH mới bao phủ đến các đối tượng cần thực hiện.