9 tháng thực hiện Luật Hải quan (sửa đổi): Tín hiệu tích cực
Luật Hải quan 2014 đã thúc đẩy cải cách hành chính trong thực hiện thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Hội nghị tham vấn doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan vừa tổ chức, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đã chỉ ra một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện luật.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục
Theo Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay.
Bởi ngay sau khi Luật Hải quan có hiệu lực (ngày 1/1/2015), nhiều Chi cục Hải quan trên cả nước đã áp dụng hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tăng thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được tiếp tục đơn giản hóa như giảm các loại chứng từ phải nộp và xuất trình cho cơ quan hải quan, minh bạch hóa và thời gian thực hiện các khâu trong quá trình làm thủ tục hải quan gồm kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, sử dụng tờ khai hải quan điện tử.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan đã áp dụng các phương thức hoạt động hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng, lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật hiện hành cũng tạo điều kiện đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; minh bạch và phân định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, tổ chức và cá nhân liên quan, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của người khai hải quan...
Theo kết quả khảo sát của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), 94% doanh nghiệp đánh giá tích cực sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan thời gian qua. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao hệ thống thông quan điện tử (VNACCS), hệ thống cung cấp thông tin và cơ chế tham vấn giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, sau 8 tháng triển khai thi hành, quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế. Đại diện nhiều doanh nghiệp phản ánh, các văn bản, thông tư ban hành còn quá dài, với nhiều quy định khó hiểu, khó thực hiện như: Quy định về báo cáo quyết toán hợp đồng gia công hay quy định về thủ tục quyết toán, không thu thuế/hoàn thuế tờ khai nhập khẩu loại hình nhập sản xuất xuất khẩu...
Nhiều quy định không phù hợp với thủ tục hải quan điện tử làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục xác nhận hàng hóa qua giám sát hiện vẫn được thực hiện thủ công trong khi thủ tục khai báo hải quan đã căn bản được điện tử hóa. Có đến 88,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của USAID GIG phải trực tiếp đến làm thủ tục với bộ phận giám sát hải quan để hàng hóa được thông quan.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Đặng Phương Dung cũng cho biết, nhiều quy định của Luật Hải quan đang được áp dụng không thống nhất tại các Chi cục Hải quan.
Ví dụ như một số Chi cục Hải quan cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trong khi chờ kiểm tra chuyên ngành, nhưng có nơi lại không cho phép. Nhiều lô hàng thuộc luồng xanh nhưng doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu xuất trình hồ sơ. Sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác chưa tốt ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa như ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan quản lý liên ngành, quản lý thị trường...
Ngoài ra, theo bà Đặng Phương Dung, hoạt động quản lý chuyên ngành vẫn tiếp tục là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong thủ tục thông quan hàng hóa, nhất là thời gian kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm thường kéo dài ít nhất từ 160 - 280 giờ.
Tại Hội nghị tham vấn doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp kiến nghị, bỏ nội dung quy định gửi bản fax xác nhận giữa các chi cục hải quan, đề nghị các cơ quan sử dụng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu, giúp xác nhận kết quả kiểm tra lô hàng thông qua internet, góp phần thúc đẩy giải phóng nhanh hàng hóa.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể bản sao bộ hồ sơ chứng từ có xác nhận của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai các chứng từ đi kèm tờ khai gồm những loại chứng từ nào; xác định rõ đây là bộ chứng từ bổ sung cho tờ khai gửi tới hải quan kiểm hộ hay áp dụng cho tất cả tờ khai nhập, xuất luồng đỏ.
Cơ quan hải quan cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý/giám định chuyên ngành để có thể nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành sớm nhất (bản điện tử), không cần chờ bản gốc kết quả từ doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian thông quan, tiết kiệm thời gian làm thủ tục hải quan và chi phí cho doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát về mức độ giản đơn của thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm 2015 so với trước năm 2015 của USAID GIG, về thời gian kiểm dịch, có 78,6% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm dịch không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước năm 2015. Về thời gian kiểm tra chất lượng, có đến 90,9% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước năm 2015, chỉ có khoảng 9,1% doanh nghiệp cho rằng nhanh hơn trước. Về kiểm tra an toàn thực phẩm, 81,8% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước thời điểm 2015.