Ngành Hải quan: Thắng lợi trên nhiều “mặt trận”
(Tài chính) Thắng lợi trên nhiều “mặt trận” trong năm 2014, ngành Hải quan đón Xuân Ất Mùi 2015 với niềm tin vững chắc sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa… Đó là những chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc với Tạp chí Tài chính nhân dịp đầu Xuân mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc: Năm 2014 - một năm đầy khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Hải quan đã khép lại với rất nhiều niềm tự hào đối với cán bộ, công chức toàn Ngành khi thành công đã trải đều trên các “mặt trận”. Điểm sáng lớn nhất là Ngành đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) để cùng toàn ngành Tài chính “về đích” trước hẹn. Năm 2014, ngành Hải quan được giao dự toán thu NSNN là 224.000 tỷ đồng. Tính đến 23/12/2014, số thu của toàn ngành Hải quan đạt 244.994 tỷ đồng, đạt 109,37% so với dự toán thu NSNN năm 2014, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Ước thu NSNN năm 2014 đạt khoảng 248.500 tỷ đồng, đạt 110,9% dự toán năm 2014, tăng 12,2% so với thực hiện năm 2013.
Có được kết quả tích cực trên, ngoài những nguyên nhân khách quan, sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, còn là sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Hải quan. Xác định rõ, năm 2014 tiếp tục là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động thu ngân sách, nên ngay từ khi bắt đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Tổng cục Hải quan đã tập trung chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp thu đồng bộ, hiệu quả. Điển hình như: Quản lý sát tình hình thu nộp NSNN, xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp NSNN; đưa ra các giải pháp chống thất thu, tăng thu NSNN; đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu qua tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại...
Vậy còn trong hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được thực hiện như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Đây là hoạt động tiêu biểu nhất của năm khi có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của tất cả các cấp, bộ, ngành, trong đó ngành Hải quan giữ vai trò nòng cốt. Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/12/2014, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 18.448 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 400,976 tỷ đồng, thu nộp NSNN 134,567 tỷ đồng, khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 59 vụ.
Trong năm qua, ngành Hải quan cũng đã ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để buôn lậu xăng dầu. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2014, toàn Ngành phát hiện, bắt giữ 465.818 lít dầu, 240.000 lít xăng, 800 thùng phụ gia dầu nhờn các loại. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra sau thông quan đã hướng dẫn giúp doanh nghiệp (DN) hiểu rõ quy định của pháp luật, khai báo đúng quy định, xử lý đúng sai sót, ngăn chặn kịp thời các trường hợp cố tình sai phạm. Tính đến ngày 20/12/2014 toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan đã ra quyết định truy thu 1.091 tỷ đồng (bằng 123% so với cùng kỳ năm 2013), đã thực thu vào NSNN 1.096 tỷ đồng, bao gồm cả số phải truy thu từ năm trước chuyển sang (bằng 128% so với cùng kỳ năm 2013). Ước thực hiện đến hết năm 2014, quyết định truy thu khoảng 1.250 tỷ đồng (bằng 105% so với năm 2013), thực thu khoảng 1.150 tỷ đồng (bằng 118% so với năm 2013).
Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính mà điểm sáng là triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của ngành Hải quan trong năm qua đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước rất hoan nghênh. Đánh giá của Tổng cục trưởng về hoạt động này?
Thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2014, Tổng cục đã quán triệt, triển khai thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ tới từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong Ngành nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể:
Một là, đã triển khai áp dụng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). Đến nay, hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, đảm bảo chất lượng, không gây xáo trộn hay làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của DN. Các DN đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định, việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan hải quan được đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả. Việc triển khai thành công hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý tiên tiến của Hải quan Nhật Bản phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiêu biểu như: Các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan được đơn giản hóa và được tích hợp trong một tờ khai hải quan duy nhất; thời gian thông quan giảm (đối với luồng xanh chỉ 3 giây. Công tác giám sát quản lý hải quan được đảm bảo chặt chẽ; Thông qua việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp cơ quan hải quan tiếp cận và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến. Đây cũng là tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN và nâng cao trình độ quản lý hải quan của cơ quan hải quan.
Tính đến ngày 20/12/2014, 100% Cục và Chi cục trong phạm vi toàn quốc thực hiện hệ thống VNACCS/ VCIS với 49,88 nghìn DN tham gia xuất nhập khẩu; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/12/2014 đạt 182,45 tỷ USD; đạt 5,17 triệu tờ khai.
Hai là, tiếp tục chủ trì, triển khai áp dụng cơ chế một cửa quốc gia. Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) mang lại rất nhiều lợi ích cho DN. Từ chỗ thông quan một lô hàng có thể phải đi xin giấy phép của nhiều bộ, ngành khác nhau, phải chuẩn bị nhiều chứng từ, NSW cho phép DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất, giúp đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, đồng thời rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong các thủ tục thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Theo tính toán của cơ quan quản lý, NSW sẽ cắt giảm từ 10 đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu. Ngày 12/11/2014, đã triển khai chính thức NSW tại cảng biển quốc tế với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải; Ngày 25/12/2014 đã triển khai chính thức NSW giữa Bộ Tài chính với Bộ Công thương. Dự kiến đến giữa năm 2015 sẽ kết nối các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng và đến năm 2016 sẽ mở rộng đến các bộ, ngành còn lại.
Ba là, Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Các quy định mới của Luật Hải quan sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, minh bạch thủ tục hải quan, giảm bớt giấy tờ người khai hải quan phải nộp, giảm thời gian thông quan; giảm chi phí tuân thủ qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN.
Bốn là, công khai kết quả đo thời gian giải phóng hàng. Lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đã công bố công khai về kết quả của năm 2013. Theo đó, kết quả thời gian trung bình làm thủ tục của cơ quan hải quan từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng là 32 giờ 37 phút (chiếm khoảng 28% tổng thời gian từ khi hàng đến cảng/ cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan); 72% còn lại là thời gian tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.
Năm là, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa hải quan. Năm 2014, là năm Tổng cục Hải quan chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý về hải quan, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tránh tiếp xúc trực tiếp hải quan và DN; bảo đảm an ninh, an toàn, lợi ích quốc gia; tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu, ngăn ngừa, cảnh báo, răn đe và phát hiện các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại...
Sáu là, giảm thời gian nộp thuế cho DN. Triển khai Thông tư số 126/2014/TT-BTC quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế nhằm giảm đáng kể thời gian nộp thuế cho DN. Theo đó, việc nộp thuế của DN đã và tiếp tục được cơ quan hải quan cập nhật thường xuyên hơn, chính xác hơn và sẽ hạn chế tối đa việc treo nợ thuế của người nộp thuế, truyền thông tin thu theo từng tờ khai qua cổng thanh toán điện tử hải quan cho cơ quan hải quan 15 phút/01 lần.
Bảy là, trình Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Đề án sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định.
Tám là, triển khai áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan. Trong năm qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai có hiệu quả thực hiện áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan thay cho việc đối chiếu thủ công, tạo điều kiện cho người khai hải quan không phải in tờ khai hải quan mà chỉ in danh sách container có mã vạch; không thực hiện các thủ tục kiểm tra tính xác thực của tờ khai tại văn phòng đội giám sát cổng cảng… nhằm giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục giám sát tại cổng cảng và giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ hải quan với DN.
Chín là, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ công chức hải quan. Từ nhiều năm nay, ngành Hải quan không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch. Bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức trong toàn lực lượng về trách nhiệm trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã quán triệt thực hiện nghiêm tục nguyên tắc 3 không đối với cán bộ công chức hải quan, cụ thể: (i) Không muốn thực hiện hành vi tiêu cực; (ii) Không thể thực hiện hành vi tiêu cực; (iii) Không dám thực hiện hành vi tiêu cực.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, để vượt qua những thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan có kế hoạch và giải pháp gì cho năm tới, thưa Tổng cục trưởng?
Năm 2015, tình hình kinh tế trong nước dự kiến sẽ có những bước phục hồi, cải thiện nhưng chưa rõ nét. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 như sau:
Một là, tiếp tục cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó thực hiện đồng loạt các giải pháp sau:
- Thực hiện Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn; Tiếp tục thực hiện Nghị định 63/2010/ NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ thị số 24/ CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan.
- Chính thức kết nối Giai đoạn 1 đối với các TTHC của 3 Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Giao thông Vận tải; Bổ sung kết nối thủ tục biên phòng điện tử với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ không ưu đãi do VCCI thực hiện; Mở rộng kết nối Giai đoạn 2 với 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế vào tháng 6/2015.
- Triển khai đầy đủ hệ thống VNACCS/VCIS: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo việc triển khai đầy đủ Hệ thống VNACCS/VCIS. Đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Hải quan Việt Nam thực hiện Giai đoạn 2 của dự án VNACCS/VCIS để bổ sung các chức năng còn thiếu của hệ thống.
- Triển khai các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa: Mở rộng việc áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan, cải tiến phương thức thanh toán, thu nộp thuế; tiếp tục hoàn thiện quy trình giám sát hoạt động hệ thống VNACCS/ VCIS và các hệ thống CNTT vệ tinh.
Hai là, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2015 được Quốc hội giao (260.000 tỷ đồng), quyết tâm đạt chỉ tiêu phấn đấu do Bộ Tài chính giao nhằm thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách, đảm bảo một phần quan trọng của NSNN. Trong đó, tập trung chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu đạt và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2015; Theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp NSNN, phân tích báo cáo kịp thời các yếu tố tác động đến số thu, xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp NSNN; Tăng cường các giải pháp chống thất thu, tăng thu NSNN; Xóa các khoản nợ thuế thuộc đối tượng xóa nợ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh việc đôn đốc, thu hồi các khoản nợ.
Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, chống thất thu. Trong đó, tập trung kiểm tra các DN, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao, nâng cao hiệu quả kiểm tra với các chuyên đề trên phạm vi toàn quốc; Thực hiện các quy định về kiểm tra sau thông quan và các DN ưu tiên tại các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan, quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, quy trình thu thập, xử lý thông tin và kiểm tra sau thông quan đối với hồ sơ hải quan điện tử; Hoàn thành việc nâng cấp Hệ thống STQ01 tương thích với hệ thống VNACCS/VCIS, phù hợp với Luật Hải quan và các văn bản có liên quan…
Ba là, tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Theo đó, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường… để trao đổi, cung cấp thông tin và phối kết hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh bắt giữ và xử lý đạt hiệu quả; Tổ chức lực lượng thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu, không để xảy ra các vụ việc lớn, nổi cộm; Tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát ma túy, tiền chất tại một số địa bàn trọng điểm; Tổ chức đấu tranh trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chuyên đề chuyên án để đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.
Cuối cùng, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, vai trò của công tác tổ chức cán bộ, công tác thanh tra, tự kiểm tra nội bộ có vai trò quan trọng để phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời sai phạm của cán bộ, công chức hải quan, chống các biểu hiện tiêu cực và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!