Cần phân định chức năng quản lý của Nhà nước và quản trị điều hành của doanh nghiệp


Để quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng phân tách chức năng quản lý của chủ sở hữu với quản trị điều hành của doanh nghiệp. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tài chính xoay quay nội dung này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) hiện hành đang chưa làm rõ khái niệm về vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Xin ông cho biết rõ hơn về bất cập này?

Ông Đặng Quyết TiếnCục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, (Bộ Tài chính)
Ông Đặng Quyết Tiến
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, (Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến: Theo khái niệm về vốn nhà nước hiện nay, về nguyên tắc, vốn nhà nước là vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng vốn ngân sách nhà nước là vốn chủ sở hữu nhà nước nắm giữ 100%, nhưng khi chúng ta đã đầu tư vào doanh nghiệp rồi thì coi như vốn nhà nước nằm ở doanh nghiệp.

Hiện nay, chúng ta cần phải làm rõ, vốn nằm ở doanh nghiệp là do doanh nghiệp làm chủ sở hữu quản lý, sử dụng, định đoạt hay là Nhà nước vẫn là chủ sở hữu thì mới minh bạch được vấn đề quản lý, quản trị của doanh nghiệp.

Nếu coi vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu thì Nhà nước định đoạt, quyết định. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không được quyền sử dụng, định đoạt. Đấy là một vấn đề chúng tôi nhận thấy trong quá trình rà soát Luật số 69/2014/QH13 và có rất nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ điều này.

Tôi lấy một ví dụ, nếu so sánh với doanh nghiệp tư nhân, khi một cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân bằng một mảnh đất do cá nhân đó có quyền sở hữu thì khi đó cá nhân này phải chuyển quyền sở hữu mảnh đất đó cho doanh nghiệp và không đứng tên mảnh đất đó nữa, mà doanh nghiệp sẽ đứng tên. Khi doanh nghiệp đứng tên thì doanh nghiệp được quyền định đoạt mảnh đất đó và người góp vốn chỉ quan tâm là đồng vốn mình đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn, phát triển như thế nào, thu cổ tức ra sao và khi thoái vốn thì giá trị gia tăng là bao nhiêu. Như vậy, sẽ phân tách được vấn đề sở hữu của cơ quan đại diện sở hữu là Nhà nước với quyền của doanh nghiệp và sở hữu của doanh nghiệp.

Phóng viên: Như vậy, việc phân tách vấn đề sở hữu của cơ quan đại diện sở hữu là Nhà nước với quyền của doanh nghiệp và sở hữu của doanh nghiệp như ông chia sẻ là cần thiết hiện nay và là một trong những hướng sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 lần này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Phải làm rõ như vậy thì mới có thể giúp cho doanh nghiệp yên tâm, nếu không bất kỳ doanh nghiệp nào khi đầu tư rất “run” vì đây là tài sản của Nhà nước, họ phải xin ý kiến của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước dẫn đến không chủ động và né tránh trách nhiệm đầu tư.

Ngược lại, cơ quan đại diện sở hữu lại can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp vì việc đem tài sản Nhà nước đầu tư vào dự án thì phải xin ý kiến chủ sở hữu, mà theo quy định, chủ sở hữu chỉ quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị theo điều lệ của doanh nghiệp. Đây là một điểm chưa rõ ràng dẫn đến vấn đề quản trị của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan chủ sở hữu không được minh bạch, đan xen, lúng túng.

Chúng tôi cho rằng, nếu không xử lý được vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ không nâng cao được hiệu quả. Lúc doanh nghiệp thấy rủi ro thì sẽ đẩy trách nhiệm quyết định lên chủ sở hữu, nếu thấy không rủi ro thì doanh nghiệp tự quyết, nhưng lúc đó chủ sở hữu lại yêu cầu phải xin ý kiến chủ sở hữu. Do đó, mấu chốt hiện nay của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là phải phân định rõ được vấn đề này.

Như vậy, Luật số 69/2014/QH13 phải sửa theo hướng phân tách được chức năng quản lý của chủ sở hữu với quản trị điều hành của doanh nghiệp. Còn việc doanh nghiệp sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư như thế nào, đảm bảo an toàn hiệu quả ra sao thì phải dùng biện pháp quản lý, giám sát thông qua các tiêu chí, hệ thống quản trị mà cơ quan sở hữu yêu cầu các doanh nghiệp phải làm.

Nếu làm được như vậy, mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ công khai, minh bạch và kiểm soát nguồn vốn sẽ chặt chẽ hơn.

Phóng viên: Vậy cơ quan chủ sở hữu sẽ quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp như thế nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Họ giám sát với vai trò là cổ đông lớn Nhà nước cũng như các cổ đông tư nhân khác. Các cổ đông chỉ quan tâm đồng vốn đầu tư vào doanh nghiệp sau 1 năm tăng lên bao nhiêu, lợi tức thu được bao nhiêu, mọi hoạt động điều hành của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết định; miễn làm sao Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp 10 đồng thì sau 1 năm phải tăng 11-12 đồng như đầu tư khác trên thị trường.

Khi đã ở vai trò cổ đông thì chủ sở hữu không phải quan tâm vấn đề điều hành của doanh nghiệp, chỉ quan tâm giám sát điều hành, có minh bạch không, có đúng không, còn doanh nghiệp có toàn quyền quyết định số vốn đầu tư, có thể đầu tư vào nhiều dự án nhưng tổng thể chung vốn đầu tư phải thu hồi đủ, trong đó có thể có dự án hiệu quả, có dự án không hiệu quả. Như vậy, sẽ tạo tính tự chủ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đi kèm theo đó là phải có hệ thống quản trị minh bạch. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước do ỷ lại cơ chế chưa rõ ràng, cho nên họ không làm vấn đề quản trị một cách rốt ráo, đúng nghĩa. Do đó, cần phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải làm quản trị, phải công khai minh bạch. Còn trường hợp quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu là nhà đầu tư, chỉ thực hiện vai trò cổ đông thì việc can thiệp sâu vào doanh nghiệp có muốn cũng không làm được.

Tất nhiên, để làm được điều này phải có thời gian để rà soát kỹ, đảm bảo tính đồng bộ, nếu ta phân định rõ quá mà không có hệ thống giám sát kiểm tra, quản lý, không công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thì lại tạo ra lỗ hổng.

Phóng viên: Với các doanh nghiệp cổ phần bình thường, nếu một cổ đông sở hữu một tỷ lệ vốn vượt quá khoảng 30 % thì họ vẫn có quyền tham gia vào quản trị điều hành doanh nghiệp. Theo ông có nên đưa ra quy định vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ bao nhiêu % thì được tham gia điều hành doanh nghiệp không?

Ông Đặng Quyết Tiến: Vấn đề điều hành hay không phải tiếp cận dưới góc độ doanh nghiệp. Việc đưa người vào điều hành phải tôn trọng quản trị của doanh nghiệp.

Ví dụ, đại hội cổ đông sẽ bầu người có số phiếu cao vào hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên. Nhưng cử người ở đây phải là những người điều hành chuyên nghiệp, không phải chỉ là người đại diện vốn thông thường. Do đó, những người đại diện vốn được bầu vào điều hành doanh nghiệp là những người chuyên nghiệp, am hiểu ngành nghề, tránh việc đưa bất kỳ ai xuống làm Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc cũng được miễn là người đại diện vốn nhưng không hiểu rõ về hoạt động của doanh nghiệp nên sẽ không hiệu quả.

Đây là tiền đề để thúc đẩy việc biến nghề điều hành doanh nghiệp thành một nghề để đấu thầu cạnh tranh, lựa chọn người tài vào làm. Đây có thể coi là một đột phá về nguồn nhân lực, là động lực để thay đổi nguồn nhân lực ở doanh nghiệp nhà nước, làm việc một cách chuyên nghiệp và thực sự chịu trách nhiệm với kết quả của mình.

Nếu áp dụng cơ chế hợp đồng, làm đúng, đủ, thì được trả lương cao, ngược lại sẽ bị phạt. Khi xảy ra thất thoát, kinh doanh thua lỗ thì xử lý theo hợp đồng. Còn hiện nay là không ai dám thuê, người giỏi không dám vào doanh nghiệp nhà nước làm do chưa làm rõ chức năng của chủ sở hữu vốn, và lo ngại nếu kinh doanh thua lỗ là vi phạm pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!