Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong đại dịch Covid-19

ThS. Võ Thị Hảo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để phát triển, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ nhiều chính sách tài chính mới liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ban hành kịp thời nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Ngay thời điểm đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Chính phủ đã có kịch bản ứng phó đối với từng giai đoạn cụ thể, ngay cả trong tình huống xấu nhất. Đặc biệt, để ứng phó với dịch bệnh và góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất, xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua các giải pháp cụ thể sau:

Thông qua các chính sách tài chính, trong năm 2020, ngân sách nhà nước (NSNN) đã xử lý hỗ trợ cho DN và người dân 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí là 111,5 nghìn tỷ đồng; chi từ NSNN 16,83 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân… Số lượng DN được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ lên đến 93% tổng số DN. Các chính sách này đã góp phần tạo ra dòng tiền để DN có thể xoay sở, ứng phó trong bối cảnh khó khăn này.

Một là, giảm thuế và các khoản thu ngân sách. Để hỗ trợ người dân và DN, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách tài chính như: Thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người nộp thuế (NNT) và người phụ thuộc;

Giảm 30% số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu chịu thuế năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; Giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19;

Rà soát, cắt giảm một số khoản phí và lệ phí như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước...

Hai là, miễn thuế và thu ngân sách. Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của các DN da giày, dệt may, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Cùng với đó, thực hiện miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm đầu; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống...

Ba là, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách. Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước...

Bốn là, giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020; Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020.

Năm là, giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.

Sáu là, điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; Rà soát, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động nói chung. Cùng với đó, ngân sách nhà nước đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua các chính sách tài chính, trong năm 2020, ngân sách nhà nước (NSNN) đã xử lý hỗ trợ cho DN và người dân 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí là 111,5 nghìn tỷ đồng; chi từ NSNN 16,83 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân… Số lượng DN được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ lên đến 93% tổng số DN. Các chính sách này đã góp phần tạo ra dòng tiền để DN có thể xoay sở, ứng phó trong bối cảnh khó khăn này.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và xây dựng trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm lệ phí trước bạ… Ngày 31/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; Quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Nghị định số 44/2021/NĐ-CP cũng quy định, các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã tiếp nhận.

Tiếp đó, ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định, đối với thuế GTGT (trừ thuế GTGT khâu nhập khẩu), gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác, nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8/2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý) của các DN, tổ chức.

Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý I, quý II/2021; thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2021; thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2021.

Đối với thuế TNDN, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2021 của DN, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu trên trừ DN nhỏ và siêu nhỏ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31/12/2021.

Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

Đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất theo đề xuất của Bộ Tài chính để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thêm nguồn lực tài chính giúp DN duy trì và khôi phục sản xuất.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu, thu NSNN của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong khi nhu cầu chi ngày càng tăng. Để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN, chính sách tài chính trọng tâm vào các biện pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như đời sống của người dân, DN;

Thứ hai, tăng cường phân tích, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, tài chính trên thế giới và trong nước để đề xuất, tham mưu chính sách tài chính kịp thời nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển, cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Quyết liệt triển khai các nghị quyết của trung ương về hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, tăng cường quản trị DN và tận dụng cơ hội khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy và mở rộng xuất khẩu, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ…

Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu NSNN theo hướng hợp lý hóa các ưu đãi, rà soát các ưu đãi thuế, điều chỉnh thuế suất… nhằm thúc đẩy và mở rộng nguồn thu ổn định, bền vững; Thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thu NSNN, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tốt cho người nộp thuế... Việc ban hành các chính sách hỗ trợ nói chung, chính sách tài chính nói riêng là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN và người dân, thể hiện thông điệp tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ lan tỏa tới cộng đồng DN, người dân.    

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất;

2. Chính phủ (2021), Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại;

3. Chính phủ (2021), Nghị định số 52/2020/NĐ-CP này 27/4/2020 về đầu tư xây dựng sân golf;

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021) khảo sát  về tác động của đại dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp;

5. Phạm Thị Tường Vân (2020), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021