Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ hợp tác xã phát triển

PV.

Ngày 29/10, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Thực trạng áp dụng Luật Hợp tác xã sau gần 10 năm thực hiện và một số vấn đề đặt ra với chính sách tài chính” nhằm làm rõ một cách đầy đủ, chính xác và khách quan tình hình phát triển của các hợp tác xã từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay. Đồng thời, phân tích những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề đặt ra từ phía chính sách tài chính để từ đó đưa ra các kiến nghị, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách cho các hợp tác xã phát triển trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Luật Hợp tác xã 2012 đã đánh dấu một bước tiến trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về hợp tác xã nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nhờ có Luật Hợp tác xã, nhiều mô hình Hợp tác xã kiểu mới được hình thành, từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đã trở thành lực lượng nòng cốt của kinh tế tập thể, đã có nhiều thay đổi tích cực như số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện, đã khẳng định được vai trò của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Các hợp tác xã từng bước phát triển ổn định, tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường, cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho ổn định giá cả thị trường, tạo thêm việc làm cũng như lợi nhuận cho các thành viên. Hoạt động của kinh tế tập thể, Hợp tác xã đã khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí và có những đóng góp ổn định vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, tính trong 06 tháng đầu năm, mặc dù dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, khu vực kinh tế hợp tác, Hợp tác xã đã tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng. Cả nước thành lập mới 752 Hợp tác xã, 10 liên hiệp Hợp tác xã, gần 6 nghìn THT, đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Doanh thu bình quân vẫn đạt 1,7 tỷ đồng/Hợp tác xã, cho dù giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/ Hợp tác xã, thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt 58%.

Bên cạnh đó, để các hợp tác xã có thể nắm rõ về các chế độ tài chính đối với mô hình hợp tác xã, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2015/TT-BTC ngày 28/05/2015 hướng dẫn về chế độ quản lý tài chính đối với hợp tác xã và Thông tư số 24/2017/TT-BTC ngày 28/3/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Theo đó, cách thức ghi chép sổ sách kế toán và tính toán hạch toán doanh thu của hợp tác xã theo hai loại doanh thu (doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho thành viên, hợp tác xã thành viên và doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho khách hàng không phải thành viên)...đã được hướng dẫn hướng dẫn đầy đủ.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Thực trạng áp dụng Luật Hợp tác xã sau gần 10 năm thực hiện: Những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức sáng 29/10, TS. Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển tài chính cho biết, hiện nay, mô hình hợp tác xã đã có sự thay đổi cả về lượng và chất và phát triển khá mạnh mẽ. Thực tế, hiện có nhiều hợp tác xã có quy mô phát triển tương đương hoặc lớn hơn cả doanh nghiệp quy mô vừa. Điều đó thúc đẩy kinh tế khu vực vùng nông thôn phát triển, tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau hơn 08 năm thi hành Luật, quá trình triển khai Luật đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như: Chỉ có một số ít các Hợp tác xã tiếp cận được các chính sách; hợp tác xã khó vay tín dụng do không có tài sản đảm bảo, thiếu quỹ đất để giao cho Hợp tác xã, thủ tục chuyển đổi còn phức tạp…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những tồn tại này một mặt là do năng lực nội tại của các hợp tác xã còn hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ điều hành và quản lý. Mặt khác, các chính sách tài chính đối với Hợp tác xã vẫn còn dàn trải, chưa có chính sách ưu đãi riêng cho hợp tác xã; về nguồn kinh phí hỗ trợ, các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách; hay quy mô Quỹ phát triển Hợp tác xã còn hạn chế…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về những giải pháp chủ yếu cần triển khai thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập tthể, Hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cụ thể là cần nhận thức đúng đắn về hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, trong đó đẩy mạnh thực thi các nhóm chính sách tài chính hỗ trợ, chính sách tín dụng cho các hợp tác xã, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đồng thời phát huy vai trò Quỹ phát triển Hợp tác xã, bố trí nguồn kinh phí cho việc chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã. Cùng với đó, rà soát, sửa đổi bổ sung cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong các chính sách khuyến khích, hỗ trợ Hợp tác xã.

Thứ ba, ngoài ra, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các Hợp tác xã kiểu mới phát triển, tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống chính sách về đất đai cho Hợp tác xã, Khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp để chuyển giao công nghệ cho Hợp tác xã, nghiên cứu sản phẩm mới, khuyến khích xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, đa dạng hoá sản phẩm, hạ giá thành, tạo sức cạnh tranh. Đẩy mạnh các hoạt động của các Hợp tác xã sau chuyển đổi theo hướng liên kết xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Trong thời gian qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đã ban hành, đặc biệt là các chính sách tài chính hỗ trợ kinh phí (đào tạo, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia vào các chương trình mục tiêu, thành lập mới), hỗ trợ tín dụng (vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã), hỗ trợ thuế, phí (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tài nguyên, lệ phí trước bạ) và hỗ trợ riêng đối với Hợp tác xã nông - lâm - ngư- diêm nghiệp (phát triển kết cấu hạ tầng, tín dụng, vốn, chế biến sản phẩm).