Để đảm bảo an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Trong những năm qua, việc đảm bảo an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam đã được quan tâm với việc thường xuyên rà soát, kiện toàn hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, phát triển mạnh các loại hình sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, các sản phẩm hàng hóa trên thị trường tài chính phong phú về chủng loại, chất lượng và độ an toàn ngày được cải thiện… Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam cómức độ ổn định thấp, phát triển chưa vững chắc; cơ chế, chính sách đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bài viết này nhận diện những khó khăn, thách thức đối với việc đảm bảo an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 01/2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: Phát triển đất nước trong tình hình mới có nhiều yếu tố thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen, do tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cùng với đó, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng luôn đặt ra vấn đề về tính ổn định của hệ thống tài chính, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là hạn chế những rủi ro trên thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm và thị trường các dịch vụ tài chính. Do vậy, cần tăng cường đảm bảo an ninh thị trường tài chính, tránh tác động xấu, gây đổ vỡ và khủng hoảng thị trường tài chính.

Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các nền kinh tế luôn có sự phụ thuộc lẫn nhau, trong đó các loại hình tài chính phát triển mạnh và  có liên kết chặt chẽ, các chấn động tài chính cũng dễ dàng lan truyền, dễ tạo ra đổ vỡ và khủng hoảng. Do vậy, hệ thống tài chính của nhiều nước trên thế giới đều phải đối diện với những sức ép lớn hơn, mang tính bất ổn, tác động tiêu cực đến mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, hiện nay, đầu tư chứng khoán cũng đang có xu hướng dồn về thị trường các nước mới nổi, trong đó các nước châu Á mới nổi, thu hút khoảng 53% lưu lượng đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên 35% đầu tư chứng khoán dồn từ Mỹ về các nước mới nổi; 15% từ Nhật Bản, 11% từ Anh. Những năm trở lại đây, các nhà đầu tư Hồng Kông và Singapore cũng đẩy mạnh đầu tư chứng khoán vào các nước mới nổi.

Trong khi đó, các nước Đông Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc) lại chú trọng phát triển tư bản nội địa một cách chủ động hơn, đầu tư chứng khoán qua hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu cũng bị hạn chế tối đa. Ngược lại, các nước ASEAN lại khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm thu hút kỹ thuật, vốn, thị trường thông qua tư bản nước ngoài, đặc biệt là thu hút vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tận dụng lao động rẻ để xuất khẩu vào các nước phát triển. Nhiều nước ASEAN đã bãi bỏ chính sách hạn chế dòng chảy tư bản tài chính với hy vọng trở thành các trung tâm tài chính khu vực.

Trong bối cảnh thị trường tài chính và quá trình luân chuyển các luồng vốn tài chính của nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đi cùng với đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính như quy mô nhỏ và dễ bị tác động từ những biến động của thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh trên thị trường tài chính ở Việt Nam gặp phải một số thách thức sau:

Một là, quy mô thị trường tài chính Việt Nam mặc dù đã từng bước được mở rộng, tăng từ mức 88% GDP (năm 2006) lên mức trên 366% GDP (tính đến 30/11/2020), tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, quy mô thị trường cổ phiếu ở mức thấp so với các thị trường trong khu vực ASEAN, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu của Việt Nam chỉ tương đương 26,8% của Indonesia; 23,3% của Thái Lan; 29,5% của Malaysia; 16,8% của Singapore và 50,1% của Philippines. Bên cạnh đó, quy mô thị trường bảo hiểm hiện nay ở mức thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực (3 - 5%) và thế giới (6 - 7%), chưa có các cơ chế quản lý, giám sát trên  cơ sở rủi   ro nhằm tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong quản trị, điều hành.

Hai là, thị trường tài chính ở Việt Nam thời gian qua mặc dù đã có bước phát triển tương đối tốt, nhưng chưa ổn định, do thị trường tiền tệ-ngân hàng phát triển thiếu tính ổn định, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn và không kỳ hạn nên tính ổn định chưa cao...

Ba là, dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển còn manh mún và thiếu chuyên nghiệp do còn phụ thuộc nhiều vào một số công ty kiểm toán nước ngoài; số lượng các kế toán và kiểm toán viên hành nghề có trình độ nghiệp vụ cao còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Bốn là, mức độ áp dụng công nghệ thông tin của hệ thống tài chính còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp với những đòi hỏi của thực tế ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Năm là, hệ thống giám sát thị trường tài chính chưa giám sát và kiểm soát được rủi ro trên thị trường, đặc biệt là các rủi ro liên thông trên thị trường tài chính phát sinh từ các tập đoàn tài chính. Các tập đoàn tài chính lợi dụng “lỗ hổng pháp lý” về thanh tra, giám sát để tìm cách lách những quy định hiện hành, lựa chọn cơ cấu sở hữu phức tạp nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát hoặc gây trở ngại cho hoạt động giám sát của cơ quan chức năng…

Tóm lại, từ những thách thức trên đòi hỏi Chính phủ phải có hệ thống giám sát tài chính hiệu quả, nhằm ngăn ngừa những khoản đầu tư nhiều rủi ro trên thị trường tài chính. Chính phủ có thể cân nhắc hy sinh một số mục tiêu chiến lược để ứng phó với các nguy cơ khi thực hiện tự do hoá kinh tế-tài chính, nhất là khi xảy ra khủng hoảng tài chính, buộc phải siết chặt quản lý ngân sách, giảm các chỉ tiêu tăng trưởng và chấp nhận sự trợ giúp của nước ngoài...

Thực trạng bảo đảm an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng bảo đảm an ninh tài chính nói chung và an ninh thị trường tài chính nói riêng. Với mục tiêu kiện toàn   hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, phát triển mạnh các loại hình sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, đến năm 2020, tất cả các hoạt động trên thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đều được pháp luật điều chỉnh. Quốc hội đã ban hành các luật để điều chỉnh hoạt động của thị trường như: Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán…

Cùng với đó, khung khổ pháp lý về thị trường dịch vụ tài chính đã dần hoàn thiện. Trên cơ sở đó, các sản phẩm hàng hoá trên thị trường tài chính phát triển phong phú về chủng loại, chất lượng và độ an toàn cao, có khả năng cạnh tranh; là công cụ đắc lực trong huy động, phân phối và lưu chuyển các luồng vốn tài chính không chỉ ở trong nước, mà còn trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, thị trường tài chính đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể:

Dịch vụ chứng khoán phát triển vững chắc

Sau 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đến nay, thị trường chứng khoán ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Trong 10 năm qua, tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt trên 2 triệu tỷ đồng và thu hút gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Giá trị dư nợ trái phiếu chiếm 24% GDP; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 37% GDP. Tính chung quy mô thị trường chứng khoán chiếm khoảng 61% GDP.

Các sản phẩm chứng khoán đa dạng và được chào bán, tăng cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán, bảo đảm chất lượng nguồn cung. Tính thanh khoản thị trường được cải thiện, quy mô vốn hóa thị trường được cải thiện, theo đó năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường tăng 14% so với năm 2019, đạt 4.999 nghìn tỷ đồng (tương đương 82,8% GDP).

Hệ thống các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán phát triển vững chắc, bảo đảm năng lực nghiệp vụ và năng lực tài chính. Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường với tổng số vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng. Các công ty quản lý quỹ đã huy động và quản lý khối lượng tài sản hàng trăm nghìn tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự có chứng chỉ hành nghề, đủ mức vốn pháp định.

Thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ phát triển ổn định

Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ phát triển ổn định. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Đến năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 3%-4% GDP; thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 ước đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.108 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng (tăng 10%).

Thị trường bảo hiểm là công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...

Dịch vụ kế toán, kiểm toán đạt kết quả tích cực

Dịch vụ kế toán, kiểm toán và công tác quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán đã được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong nền kinh tế. Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2018 của Cục Quản lý và Giám sát kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho thấy, doanh thu năm 2018 của toàn Ngành đạt 7.783.915 triệu đồng, tăng 20,09% so với năm 2017. Bên cạnh mức tăng trưởng về doanh thu cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, khung khổ pháp lý và các chuẩn mực kế toán, kiểm toán đang từng bước sửa đổi, bổ sung và cập nhật theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam hình thành còn chưa đầy đủ, mức độ ổn định hệ thống còn thấp, phát triển chưa vững chắc; hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường tài chính vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Vai trò, chức năng, phạm vi điều tiết của Nhà nước đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính chưa được xác định rõ. Thời hạn thực hiện các cam kết mở cửa thị trường tài chính và dịch vụ tài chính theo   các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP…) đến gần, trong khi năng lực cạnh tranh của các tổ chức tài chính trong nước còn thấp.

Thị trường tài chính chưa mở cửa đầy đủ, hàng hoá chưa tương xứng với yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, thiếu vắng những trái phiếu dài hạn (nhất là trái phiếu chính phủ) có thể làm tăng nguy cơ gánh nợ của quốc gia, gây mất an ninh tài chính nhà nước...

Giải pháp đảm bảo an ninh thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hoạch định Chiến lược tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2030; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần đảm bảo an ninh thị trường tài chính, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường tài chính và dịch vụ tài chính trên nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, giảm can thiệp hành chính vào thị trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và phù hợp với các thông  lệ quốc tế.

Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Tăng cường điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường và sự bình đẳng của các chủ thể khi tham gia thị trường. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, Luật Đầu tư...), nhằm tạo môi trường pháp lý minh bạch cho thị trường tài chính phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hai là, nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia có điều kiện vào thị trường tài chính trên nguyên tắc cởi mở, có thể kiểm soát được, phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính theo hướng khuyến khích mọi đối tượng, không phân biệt trong nước và nước ngoài tham gia thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Xây dựng cơ chế bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm đầu tư nhằm mở rộng nhu cầu, tăng khả năng cung cấp vốn, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.

Ba là, mở cửa với mức độ hợp lý thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán-kiểm toán. Củng cố và phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kế toán-kiểm toán. Hoàn thiện hệ thống chuẩn mực và hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ an toàn về kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng về quyền kinh doanh của các định chế tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán-kiểm toán, thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước.

Bốn là, sử dụng đồng bộ các công cụ thị trường để huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng và thúc đẩy đầu tư gián tiếp thông qua thị trường tài chính. Ban hành quy định thống nhất về phát hành, niêm yết chứng khoán cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Năm là, tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Phối hợp đồng bộ với tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong quá trình đăng ký niêm yết và phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Tăng cường các loại cổ phiếu và trái phiếu (bao gồm: trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sáu là, khuyến khích nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư có tổ chức (như: Quỹ Đầu tư, Quỹ Hưu trí, bảo hiểm, ngân hàng…) tham gia thị trường tài chính. Phát triển đồng bộ thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, thị trường tập trung và thị trường phi tập trung, nhằm tạo thuận lợi cho huy động các nguồn lực tài chính. Nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và bảo lãnh đầu tư, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty xếp hạng tín nhiệm... Phát triển và đa dạng hóa các nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn đầu tư.

Bảy là, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm thuộc các thành phần kinh tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và vai trò chủ đạo của doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước trong tiến trình mở cửa thị trường bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới, có chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt chú trọng quản lý các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Tám là, mở rộng danh mục dịch vụ và phương thức cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính. Nâng cao năng lực và phát huy thế mạnh của các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính thuộc các thành phần kinh tế. Liên kết với các công ty kiểm toán, tư vấn tài chính nước ngoài nhằm tranh thủ công nghệ tiến bộ và trao đổi nghiệp vụ chuyên môn.

Chín là, tăng cường hiệu lực và hiệu quả giám    sát thị trường tài chính, đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, lành mạnh, minh bạch và công khai, đồng thời bảo đảm lợi ích của người đầu tư. Xây dựng các chuẩn mực giám sát cơ bản trên thị trường chứng khoán; đồng thời, có biện pháp nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Mười là, hiện đại hóa công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán. Tự động hoá hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán. Tập trung đào tạo đội ngũ chuyên gia, môi giới chứng khoán có đủ năng lực và trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.                                   

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
  2. Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội;
  3. Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 của Quốc hội;
  4. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 14/6/2019 của Quốc hội;
  5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 502/BC-UBTVQH14 ngày 26/11/2019 tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật Chứng khoán (sửa đổi);
  6. Bộ Tài chính, Báo cáo số 63/BC-BTC ngày 28/7/2017 về tổng kết thi hành Luật chứng khoán;
  7. Lê Thị Thùy Vân (2017), Giải pháp đảm bảo an ninh thị trường tài chính ở Việt Nam;
  8. Phạm Văn Hiếu (2019), Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 10/2019.