Đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp


Việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau gần 6 năm áp dụng, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh, yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Yêu cầu từ thực tiễn

Nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13)  đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra làn sóng mới, xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt tiến trình sắp xếp, đổi mới khu vực DN có vốn nhà nước ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN có thay đổi. Do vậy, việc hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đang được các bộ, ngành bàn thảo theo hướng tạo điều kiện cho DN có vốn nhà nước đầu tư được chủ động kinh doanh theo thị trường, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, được đánh giá hiệu quả công bằng và minh bạch hơn.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, hiện nay việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN và thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định đang lộ rõ bất cập về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài DN và quy định về đầu tư ra nước ngoài của DN. Bên cạnh đó, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất, thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Do vậy, việc sửa Luật số 69/2014/QH13 lần này phải mạnh mẽ thay đổi trong đó phải đổi mới phương thức quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý DNNN theo chuẩn mực quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trương ương cho rằng, muốn tạo đột phát, tăng hiệu quả quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại DN cần thay đổi trước hết từ khái niệm trong luật, cần phân định, làm rõ khái niệm vốn nhà nước theo quy trình của dòng vốn. Theo ông Cung, vốn của bất kỳ DN nào cũng vậy (không chỉ DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) đều gồm vốn cổ phần (hay còn gọi là vốn chủ sở hữu) và vốn vay dưới các hình thức khác nhau. Như vậy, trong DN, chỉ có vốn DN mà không có vốn Nhà nước tại DN. 

Trong khi đó, theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), nội dung cơ bản đầu tiên cần thảo luận trong quá trình nghiên cứu sửa Luật số 69/2014/QH13 là cần làm rõ vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Định hướng sửa nội dung này là: Sau khi đầu tư, các cơ quan đại diện chủ sở hữu là chủ sở hữu phần vốn góp, cổ phần tại DN và có quyền, nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư, các cổ đông của DN. Bên cạnh đó, Luật cần quy định rõ, các cơ quan đại diện chủ sở hữu không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Mọi hoạt động của DN do ban điều hành thực hiện. Đồng thời, cần tách chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước với quản lý điều hành DN.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, cần phải giám sát yêu cầu hiệu quả hoạt động của DNNN, nhưng đó là hiệu quả hoạt động chung của DN chứ không phải soi từng dự án để thấy có dự án không hiệu quả mà cho là DN không hiệu quả. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đổi mới, quản trị tại các DNNN theo hướng - tăng cường công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể tại DN.

Hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN

Nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN thời gian tới, tại Hội thảo “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội hôm 7/4, Bộ Tài chính đề xuất một số số nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới phương thức quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước ở đó có sự quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua người đại diện vốn nhà nước tại DN gắn với việc bổ sung quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của đại diện vốn Nhà nước, áp dụng cơ chế ký hợp đồng với người đại diện vốn nhà nước. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, công khai thông tin tài chính và thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về chấp hành pháp luật của DN và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về chấp hành các chỉ đạo, quyết định của chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN và DN có vốn nhà nước. 

Thứ hai, tách bạch chức năng quản lý của đại diện chủ sở hữu với chức năng quản trị của DN; bổ sung quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và của DN (Hội đồng thành viên, Ban điều hành) trong việc quyết định đầu tư dự án, mua sắm tài sản; đầu tư tài chính phù hợp với quy định của Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, tuân thủ quy định về đấu thầu, quy định về đầu tư xây dựng tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng. Bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình đầu tư bổ sung vốn cho DNNN từ nguồn NSNN phù hợp với quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công.

Thứ ba, quy định rõ nội dung chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN theo nguyên tắc thị trường, hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước trong xác định giá trị vốn nhà nước tại DN khi thực hiện cổ phần, thoái vốn; Phân định rõ quyền lợi của nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN trong phân phối lợi nhuận, cổ tức, phân phối các quỹ của DN.

Thứ tư, rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước tại DN theo hướng thống nhất với quy định của Luật NSNN về thu hồi vốn từ các tổ chức kinh tế thuộc trung ương và địa phương được thu vào NSNN trung ương hoặc địa phương theo phân cấp. Trong đó: việc lập dự toán thu, chi NSNN từ nguồn thu này được lập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công; việc quản lý, sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DN, đầu tư vốn nhà nước vào DN được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Thứ năm, bổ sung nguyên tắc, quy định cụ thể để thúc đẩy, tạo áp lực bắt buộc các DNNN đẩy nhanh việc đổi mới quản trị DN đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế; chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, quản trị DN. Đổi mới phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo hệ thống tiêu chí đánh giá tổng thể; Hoàn thành nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN làm cơ sở để đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại DNNN.