Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 10/2021
Trong tháng 10/2021, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.
1. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Kỳ họp thứ 2 Quốc khội khoá XV
Sáng ngày 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV chính thức khai mạc. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham dự kỳ họp quan trọng này.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi... và giải trình các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
2. Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28
Sáng ngày 22/10/2021, nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson – nước chủ nhà APEC năm 2021, Thứ trưởng Trần Xuân Hà thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng cho biết, nhằm đạt được sự phục hồi bền vững, cân bằng và toàn diện, Việt Nam theo đuổi chính sách tài khóa linh hoạt nhưng chặt chẽ, kết hợp với chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn. "Việt Nam cũng sẽ luôn là thành viên tích cực trong việc thực hiện tiến trình hợp tác tài chính trong khu vực." - Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định.
3. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ký kết chương trình phối hợp công tác
Chiều ngày 12/10/2021, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Chương trình được ký kết nhằm tăng cường phối hợp công tác trong thời gian tới, góp phần triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.
4. Bộ Tài chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài
Ngày 7/10/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành trung ương và Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2021.
Tại các hội nghị, đại diện bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân. Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
5. Bộ Tài chính trao các quyết định bổ nhiệm nhân sự
Chiều ngày 4/10/2021, tại Trụ sở Bộ Tài chính, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã trao Quyết định bổ nhiệm có thời hạn đồng chí Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý công sản từ ngày 1/10/2021.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại trụ sở cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông La Văn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn dự và trao quyết định cho ông La Văn Thịnh.
Cũng trong buổi sáng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.
6. Ngành Tài chính thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19
Ngày 18/10/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2014/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Tài chính đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Theo Kế hoạch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, ban hành chính sách… của Bộ Tài chính.
7. Bộ Tài chính dẫn đầu khối các bộ về mức độ chuyển đổi số
Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI 2020) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều ngày 19/10, Bộ Tài chính dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số năm 2020 của các bộ cung cấp dịch vụ công.
Theo đánh giá của DTI, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật như: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 50%, 100% ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ.
Hiệu quả của các hoạt động này cũng được chứng minh qua việc phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử; 96,28% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến là hơn 98 triệu trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trong năm 2020, đạt tỷ lệ 89,3%; tổng số lượt truy cập trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính năm 2020 là gần 3,4 triệu lượt.
8. Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1951/QĐ-BTC ngày 6/10/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổ công tác đặc biệt này do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng. Tổ có 3 tổ phó gồm: Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổ phó thường trực; ông Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước; ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế và 9 thành viên là lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân...