Nhiều khó khăn và rủi ro trong thu thuế nội địa quý IV
Tổng cục Thuế đưa ra dự báo số thu 3 tháng cuối năm sẽ còn nhiều rủi ro và khó khăn do doanh nghiệp vẫn cần thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ước thu 3 tháng cuối năm 2021 chỉ bằng 67% cùng kỳ
9 tháng đầu năm 2021, số thu ngân sách nhà nước đã bị ảnh hưởng không nhỏ dó sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Ngoài quý I, số thu vẫn đạt khá do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020 thì từ quý 2 trở đi, diễn biến thu ngân sách đã giảm dần theo từng tháng.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, thu thuế, phí nội địa từ mức tăng trưởng 17,5% của 4 tháng đầu năm 2021, tháng 5 tăng 28% so với cùng kỳ 2020 (do thu ngân sách tháng 5/2020 giảm sâu tới 25,2% vì toàn quốc thực hiện giãn cách toàn xã hội) thì đến tháng 6 chỉ còn tăng 9,1%.
Bước sang tháng 7, số thu đã "lao dốc" khi giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ (đã loại trừ yếu tố gia hạn và khoản thu đột biến không từ phát sinh kinh tế năm 2021). Về quy mô, số thu thuế, phí nội địa từ mức thu bình quân đạt xấp xỉ 91,5 nghìn tỷ đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm đã giảm xuống còn 59,5 nghìn tỷ đồng/tháng trong quý 3.
Tổng cục Thuế cho biết, hiện một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống thực hiện theo Chỉ thị số 15.
Tuy nhiên, dự báo cần thêm thời gian để kiểm soát cơ bản dịch bệnh tại các địa phương phía Nam. Bên cạnh đó, nhiều người lao động do lo ngại tình hình dịch bệnh đã rời bỏ các thành phố lớn trở về địa phương dẫn đến các doanh nghiệp thiếu hụt lao động tạm thời, việc quay trở lại sản xuất của doanh nghiệp thêm khó khăn, thách thức.
Tổng cục Thuế dự báo, thu ngân sách nhà nước trong quý IV/2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn, rủi ro. Ước thu 3 tháng cuối năm đạt 208.394 tỷ đồng, bằng 67% cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố gia hạn sẽ bằng 63% cùng kỳ.
Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống
Theo Tổng cục Thuế, dù tình hình thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng ngành Thuế đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, giúp DN giảm bớt khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14; Thông tư số 112/2020/TT-BTC và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về ban hành một số giải pháp hỗ trợ DN và người dân chịu tác động của dịch bệnh COVID-19; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;…. Và mới đây nhất là Nghị quyết 406 của UBTVQH về miễn, giảm thuế.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp về tín dụng, tài khóa để tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, cung ứng nguyên vật liệu, nguồn lực lao động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... Từ đó giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Ngành Thuế cũng tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan Thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, ngành Thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thuế kịp thời theo đúng chính sách, pháp luật.
Cơ quan Thuế các cấp cũng sẽ triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời các khoản thu phát sinh theo đúng qui định của pháp luật vào ngân sách nhà nước kịp thời; khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân vào cuộc sống.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.