Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính

Trần Huyền

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCSĐ về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính trong tình hình mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoàn thiện thể chế pháp luật phải chắc chắn, làm tốt từng khâu

Chỉ thị số 02/CT-BCSĐ của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Tài chính, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo các đơn vị khẩn trương nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính.

Theo đó, cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị phải xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác của đơn vị; khi triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải phân công, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện. Xác định việc tổ chức triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo đơn vị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên và quyết liệt thực hiện trong chương trình công tác của đơn vị, từ đó tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả.

Cấp ủy, tập thể lãnh đạo các đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo khi đề xuất, xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đối với các dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phải chắc chắn, làm tốt từng khâu, ưu tiên cao nhất cho chất lượng nhưng phải đảm bảo yêu cầu về thời hạn xây dựng; tăng cường khâu rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Mọi chính sách, pháp luật tài chính phải hướng tới người dân và doanh nghiệp

Tại Chỉ thị này, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện. Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính phải đặt trong tổng thể của cả hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chỉ thị nhấn mạnh, chủ động rà soát các chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính; kịp thời giải quyết các vướng mắc về chính sách pháp luật tài chính trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật tài chính phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước…

Trong tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện tốt cơ chế phối hợp nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đàm phán quốc tế, xử lý tranh chấp trong đầu tư quốc tế, các vụ việc kháng kiện thương mại…

Để đảm bảo cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu ưu tiên, bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Hàng năm, ưu tiên bố trí các đoàn ra, các đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính; vận động các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để hỗ trợ công tác xây dựng thể chế pháp luật tài chính.

Đồng thời, tiếp tục rà soát đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật tài chính nói chung, công tác pháp chế tài chính nói riêng để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ; đồng thời bố trí đầy đủ nguồn lực, bảo đảm điều kiện cho triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới...

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính giao cấp ủy, tập thể lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Chỉ thị này; Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ về chất lượng, tiến độ trình các đề án thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; trường hợp chậm, muộn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ phải đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiểm điểm trước Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ.