Bộ Tài chính dẫn đầu khối các bộ cung cấp dịch vụ công về chuyển đổi số
Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số năm 2021 trong các bộ cung cấp dịch vụ công.
Theo báo cáo, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu về DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công với giá trị 0,6321 tăng so với năm 2020 (0,4944); vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và vị trí thứ ba thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số. Kết quả này cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Về xếp hạng các chỉ số chính, Bộ Tài chính đứng thứ nhất về hạ tầng số và hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), năm 2021, Bộ Tài chính đã triển khai 452 DVCTT mức độ 4, đạt 100%. Về hiệu quả sử dụng, theo thống kê, số lượng tài khoản của người dân sử dụng DVCTT của Bộ Tài chính đạt gần 533 nghìn, trong khi của doanh nghiệp là 1,17 triệu.
Tỷ lệ tài khoản của người dân, doanh nghiệp có sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trong năm 2021 của Bộ Tài chính đạt 85,5%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng hồ sơ thủ tục hành chính năm 2021 là 90,84%. Đặc biệt, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng DVCTT của Bộ Tài chính đạt 99,6%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2021 như: 100% thủ tục hải quan cơ bản được tự động hóa; 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử; 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử; hoàn thành triển khai hoá đơn điện tử giai đoạn 1; hơn 20 triệu chứng từ chi điện tử qua hệ thống DVCTT...
Trước đó, ngày 27/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1484/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, năm 2022, Bộ Tài chính phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.
Ngành Tài chính phấn đấu đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; Đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho công chức, viên chức được tiếp cận kiến thức, kỹ năng sế để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Bộ Tài chính cũng sẽ chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, làm việc hiệu quả trong môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.