Giảm thuế giá trị gia tăng là chính sách hỗ trợ có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất

Trần Huyền

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là lựa chọn "chưa từng có" trong hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa. Đây là sắc thuế phổ biến nhất, có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất với thị trường, hầu hết người dân đều được hưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp linh hoạt vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy, trong đó, riêng gói tài khóa lên đến 291.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền giảm thuế giá trị gia tăng).

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, với chủ đề điều hành năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch COVID-19. Hàng loạt cơ chế, chính sách được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho phục hồi và phát triển, tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến: Phát triển bền vững, thích ứng tương lai do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 19/1/2022, GS.,TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, năm 2021, thu ngân sách đủ chi, không để tình trạng thâm hụt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp dưới 2%, bội chi được kiểm soát. Niềm tin nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam tốt, đầu tư nước ngoài tăng, đời sống kinh tế xã hội ổn định, đã thưc hiện được chiến lược không ai bị bỏ lại phía sau. "Đó là thành công đáng ghi nhận trên nền của một năm đầy khó khăn thách thức." - GS.,TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến: Phát triển bền vững, thích ứng tương lai ngày 19/1/2022.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến: Phát triển bền vững, thích ứng tương lai ngày 19/1/2022.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, chính sách tài khóa, thu chi ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công, kiểm chế thâm hụt ngân sách trong bối cảnh bố trí các khoản chi có quy mô chưa từng có trong phòng, chống dịch trên 63 tỉnh thành trong năm 2021 là những nỗ lực đảm bảo cân đối ngân sách, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Đánh giá về chính sách tài khóa trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua, các chuyên gia đều cho rằng, đây là gói hỗ trợ lớn chưa từng có. Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% là lựa chọn "chưa từng có" trong hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa. Đây là sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi và rõ ràng nhất với thị trường, hầu hết người dân đều được hưởng.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, giảm 2% thuế giá trị gia tăng tác động đến toàn bộ giao dịch từ phía người bán, người mua và cả thị trường. Khi đó, người bán không phải tăng giá khi sức ép về chi phí đẩy, các nhà sản xuất giảm sức ép về tăng giá, bên cạnh đó là khả năng tiêu thụ, đầu ra trên thị trường trong nước được hỗ trợ. Với người tiêu dùng đang chịu sức ép thu nhập, việc làm bị tác động mạnh thì gần như họ trực tiếp tiết kiệm tiêu dùng 2% nhờ giảm thuế giá trị gia tăng...

Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, cần nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống. Theo đó, thủ tục thực hiện phải đơn giản, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn điều kiện của đối tượng được hưởng. Đồng thời, cần đề ra các điều kiện, chỉ tiêu kiểm soát để xác định kiểm soát đúng và trúng đối tượng thụ hưởng chính sách.