Nâng cấp ứng dụng quản lý thuế góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế là một trong những giải pháp mang tính đột phá để ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Năm 2021, Tổng cục Thuế đã hoàn thành nâng cấp 163 phiên bản ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế, đáp ứng đòi hỏi nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2021, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới, Cục Công nghệ Thông tin đã hoàn thành nâng cấp 163 phiên bản ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế.
Việc nâng cấp và triển khai ứng dụng đáp ứng các bổ sung, sửa đổi chính sách thuế mới đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, điển hình như nghiệp vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các hệ thống ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế (HTKK, ETAX, icanhan) và các ứng dụng xử lý của Cơ quan thuế (TMS, KĐT) để đáp ứng triển khai mẫu biểu khai hồ sơ thuế đáp ứng Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về đăng ký thuế. Đồng thời, nâng cấp các mẫu hồ sơ khai thuế theo lần phát sinh, xử lý thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Việc nâng cấp còn đáp ứng xử lý gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/5/2021...
Đối với nghiệp vụ cho đối tượng là cá nhân, hộ cá nhân, kinh doanh, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ lập bộ hộ khoán (cho hơn 2 triệu hộ) và hỗ trợ lập bộ phi nông nghiệp cho khoảng 20 triệu người nộp thuế có đất sử dụng đất phi nông nghiệp; nâng cấp các mẫu biểu đáp ứng Thông tư số 40/2021/TT-BTC về thuế GTGT, thuế TNCN của hộ kinh doanh; Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính (mẫu 05-DK-TH-TCT, 20-ĐK-TH-TCT).
Đồng thời, trong năm vừa qua, việc triển khai khai thuế điện tử tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản tại 63 Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc cũng đã hoàn thành. Các chức năng khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 bổ sung các yêu cầu của các cơ quan thuế trong quá trình triển khai, sử dụng ứng dụng cũng như các nghiệp vụ trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài; triển khai hỗ trợ cho việc thành lập các cơ quan thuế cũng được kiện toàn.
Về triển khai các ứng dụng quản lý nội ngành, các ứng dụng công nghệ thông tin luôn được duy trì hoạt động và đáp ứng các yêu cầu phát sinh cũng như nâng cấp hạ tầng công nghệ cho các ứng dụng.
Đáp ứng yêu cầu triển khai các yêu cầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia, ngành Thuế đã triển khai thành công Ứng dụng Etax trên Mobile; Triển khai dịch vụ tin nhắn giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế; Triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia; Triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đặc biệt, với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Cục Công nghệ Thông tin đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố.
Tiếp tục hoàn thiện các phần mềm ứng dụng nâng cao mức độ hài lòng
Năm 2022, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động thông suốt, xử lý kịp thời các lỗi phát sinh; tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy chế và trình Tổng cục ban hành; Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính thuế và xây dựng Chính phủ điện tử.
Tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống thuế điện tử: khai thuế, nộp thuế điện tử, nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử, khai, nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, hoàn thuế điện tử, đăng ký thuế điện tử. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu sửa đổi bổ sung chính sách, quy định, quy trình quản lý thuế, trong năm 2022, Cục Công nghệ Thông tin sẽ thực hiện triển khai nâng cấp tất cả các hệ thống ứng dụng đáp ứng Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14, các Nghị định và các Thông tư hướng dẫn.
Đối với Kế hoạch triển khai HĐĐT, Cục Công nghệ Thông tin tiếp tục hoàn thiện ứng dụng quản lý HĐĐT đáp ứng việc quản lý rủi ro, thanh tra kiểm tra và quản lý tem điện tử rượu, tem điện tử thuốc lá; hoàn thành triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, TP tháng 3/2022; triển khai giai đoạn 2 HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2022-7/2022; Triển khai các nội dung còn lại về biên lai, hóa đơn giấy, tem điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Cùng với đó là công tác triển khai nâng cấp ứng dụng đáp ứng Luật quản lý thuế..., đảm bảo công tác an toàn, an ninh thông tin, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu.
Bám sát chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Thuế tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, tập trung, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) vào quá trình quản lý Thuế, nhất là các nội dung liên quan đến chiến lược cải cách Ngành giai đoạn 2022 - 2025.
Đặc biệt, Cục Công nghệ Thông tin phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy nhanh xây dựng các phần mềm ứng dụng, tiến tới hoàn thiện, ban hành quy trình nghiệp vụ mới, triển khai ứng dụng mới HĐĐT; triển khai các đề án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, vừa đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, vừa đảm bảo tiến độ nhanh nhất có thể.
Mặt khác, cần tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, phục vụ đắc lực hơn nữa công tác quản lý thuế trong năm 2022 và trong thời gian tới.