Năm thứ 8 liên tiếp, Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index

PV.

Năm 2021, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 2 với kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2021) đạt 91.71%. Đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Sáng ngày 25/5, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố PAR Index 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kết quả được công bố, Bộ Tư pháp xếp hạng Nhất nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ với chỉ số cải cách hành chính là 91.90%, Bộ Tài chính xếp hạng Nhì với chỉ số cải cách hành chính 91.71%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng Ba với chỉ số 90.37%. Ngoài ra, có 13 bộ, cơ quan ngang bộ có kết quả chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90% và 1 Bộ có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 80%. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Tương tự như các năm trước đó, phương pháp đánh giá của Chỉ số cải cách hành chính 2021 là kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc triển khai điều tra xã hội học năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu, trong đó có hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương, số lượng phiếu khảo sát cao hơn 2.25 lần so với năm 2020 và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, còn khảo sát đại diện một số hội, hiệp hội đánh giá kết quả cải cách hành chính của các bộ chủ quản. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

 

Năm thứ 8 liên tiếp, Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index - Ảnh 1

 

Đối tượng xác định PAR Index 2021 gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index 2021 trong 8 năm liên tiếp cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính trong công tác cải cách hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong tất cả lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Bộ Tài chính luôn chủ động trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 355/519 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,4% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ).

Bộ Tài chính cũng chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính. Trong 8 năm qua, Bộ Tài chính luôn giữ vị trí dẫn đầu khối bộ, ngành trong bảng xếp hạng về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT index).

Chỉ số cải cách hành chính là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Thông qua Chỉ số này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.