Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính):

Nhiệm vụ trọng tâm trong hoàn thiện thể chế tài chính trong giai đoạn tới


Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, với yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi ngành Tài chính phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện thể chế tài chính với một số nội dung trọng tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

- Đối với pháp luật về thuế: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đặt ra tại các Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14; Đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tính nhất quán, rõ ràng, giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nộp thuế...; Thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chống thất thu NSNN, chống gian lận thương mại, chuyển giá...

- Đối với pháp luật về tài chính, ngân sách: Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đổi mới phân cấp NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng thu nội địa đạt trên 85% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đổi mới phương thức phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương công bằng, hiệu quả phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế; từng bước bỏ phương thức quản lý lồng ghép giữa các cấp NSNN, tăng trách nhiệm, quyền hạn, tính chủ động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước; qua đó, tăng thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định một số khoản thu, nhiệm vụ chi phù hợp với tình hình thực tế và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực quản lý của địa phương và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

- Đối với pháp luật về quản lý kinh doanh bảo hiểm: Nghiên cứu xây dựng để trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngay trong năm 2021 và dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2022, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tăng cường quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế.

- Đối với pháp luật về tài chính doanh nghiệp: Tổng kết đánh giá toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để xây dựng và trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

- Đối với pháp luật về dự trữ nhà nước: Tổng kết đánh giá những bất cập, hạn chế của Luật Dự trữ quốc gia để sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện danh mục hàng dự trữ quốc gia; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàng dự trữ và các định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia...  Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia; tăng cường khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động dự trữ quốc gia...

- Đối với pháp luật về giá: Tổng kết đánh giá để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý giá, đảm bảo tính thực thi, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giá cho phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, điều hành giá cả trong giai đoạn mới.

(*) Trích lược từ bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021