Thực thi đồng bộ các chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế

Trần Huyền

Chính sách tài khóa được coi là một trụ cột quan trọng trong chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách gia hạn, miễn giảm hàng loạt các loại thuế, phí, lệ phí cũng như các chính sách hỗ trợ khác đã được Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực thi đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đã thực hiện miễn, giảm khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng tiền thuế

Bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã nhanh chóng xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu ngân sách.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2022. Tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 8/2022, đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch. Trong đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.

Về các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022. Quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách này là 61,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2022, ước tính số thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch. Trong đó, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, ước khoảng 25.685 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, ước khoảng 6.555 tỷ đồng; Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước khoảng 737 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/ND-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ, ước khoảng 1.093 tỷ đồng; Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính ước khoảng 900 tỷ đồng.

Bổ sung hơn 4.100 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Ngoài các chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng và có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022, dự kiến thực hiện chính sách là 3,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, do giá xăng dầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (không thuộc gói 61,5 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí lệ phí của Chương trình phục hồi trước đó), gồm: Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 với quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 07/7/2022 với quy mô dự kiến khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này 8 tháng đầu năm khoảng 12,9 nghìn tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021. Trong đó, bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đến nay, Bộ Tài chính đã thông báo bổ sung kinh phí cho các địa phương (20 địa phương) với tổng kinh phí là 4.125 tỷ đồng (tạm cấp bổ sung 70%) để các địa phương thực hiện chính sách này.

Có thể nói, Bộ Tài chính đã thể hiện tinh thần quyết liệt, khẩn trương khai xây dựng cũng như thực thi các chính sách tài khóa để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách tài khóa đã được ban hành rất kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như khó khăn của doanh nghiệp, người dân. Các chính sách được ban hành vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo chặt chẽ và được triển khai hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.