Agribank Chư Pưh tiếp tục đầu tư vốn giúp nông dân bị ảnh hưởng hạn hán

Theo báo Gia Lai

Chư Pưh là một trong những địa phương đang bị tác động nghiêm trọng bởi tình trạng hạn hán kéo dài nhiều tháng qua. Agribank Chư Pưh - đơn vị đầu tư chủ lực cho thị trường nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, đang tích cực phối hợp với tổ vay vốn, các hội-đoàn thể và chính quyền địa phương theo dõi nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin thiệt hại do hạn hán trên địa bàn, xem xét thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đầu tư vốn để người dân khôi phục hoạt động sản xuất.

Từ vốn vay Agribank, nông dân đầu tư phát triển cây hồ tiêu.
Từ vốn vay Agribank, nông dân đầu tư phát triển cây hồ tiêu.

Theo nhận định từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, hiện nay vẫn đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, mực nước ngầm xuống thấp đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương. Sản xuất bị đình trệ, mùa vụ có nguy cơ mất trắng đã ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của người dân và đương nhiên, hệ lụy sẽ còn kéo dài cho những ngày sắp tới.

Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn huyện là 749,67 ha; trong đó, cây lúa bị mất trắng 351,79 ha, lúa giảm năng suất từ 50% đến 70% là 86,31 ha; hồ tiêu giảm năng suất trên 70% là 53,55 ha; cà phê giảm năng suất trên 70% là 83,8 ha. Theo thời gian, khi hiện tượng El Nino tiếp tục diễn tiến cực đoan thì con số này ngày càng gia tăng.

Dưới góc độ của nhà đầu tư chủ lực cho thị trường nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Chư Pưh (Agribank Chư Pưh) nhận định, khả năng trả nợ vay của khách hàng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hạn hán, đồng thời thiệt hại sẽ còn kéo dài tới mùa vụ năm sau. Điều này thật đáng lo ngại bởi đối tượng đầu tư chính của Agribank trên địa bàn này là cây hồ tiêu, chiếm gần 70% dư nợ. Mặc dù phần lớn diện tích cây trồng này vừa kết thúc mùa thu hoạch nhưng trước mắt đã có 276,42 ha hồ tiêu kinh doanh bị chết, giảm năng suất, héo vàng lá... cộng với gần 200 ha cà phê kinh doanh bị giảm năng suất 30-70% thì xem như nguồn sinh kế-trả nợ của nhiều hộ vay đã bị gián đoạn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lưu Đình Hùng-Giám đốc Agribank Chư Pưh nhấn mạnh: Với góc độ nhà đầu tư vốn, chúng tôi thật sự rất lo lắng vì thiên tai hạn hán vẫn còn đang tiếp diễn. Trước mắt, chúng tôi đang phối hợp với tổ vay vốn, các hội-đoàn thể và chính quyền địa phương theo dõi nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin thiệt hại do hạn hán trên địa bàn, nhất là ở cây hồ tiêu vì tỷ trọng dư nợ đầu tư khá lớn.

Đối với những khách hàng có nguồn trả nợ bị ảnh hưởng do tập trung vốn đào giếng, thậm chí chở nước từ nơi khác đến để cứu cây hồ tiêu thì chúng tôi xem xét thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng (gia hạn thời hạn nợ, giãn nợ, miễn hoặc giảm một phần lãi tiền vay) theo quy định của Agribank. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vốn để họ khôi phục hoạt động sản xuất, tạo nguồn trả nợ cho năm sau.

Hiện nay, Agribank Chư Pưh đang là đơn vị đầu tư chủ lực cho thị trường nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ. Với mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi, tổng dư nợ của Chi nhánh trên địa bàn xấp xỉ 508 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 7,8%), nợ xấu chỉ chiếm 0,14%/tổng dư nợ. Huy động vốn đạt 166 tỷ đồng, giảm 14 tỷ đồng so với đầu năm (đạt 75% kế hoạch). Nguyên nhân giảm huy động là do vào mùa thu hoạch hồ tiêu, khách hàng rút tiền về dự trữ nông sản.