Agribank tham dự Diễn đàn trực tuyến Tài chính Việt Nam năm 2021
Tạp chí the Asian Banker vừa tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Các sáng kiến quan trọng của Việt Nam hướng tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Tham dự Diễn đàn trực tuyến có ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và lãnh đạo một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 tổ chức trong bối cảnh các tổ chức tài chính đang hướng đến phát triển ngành Tài chính bền vững trong tương lai, thông qua việc giải quyết cuộc khủng hoảng phát sinh do đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch VNBA cho biết: Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất, dịch bệnh được khống chế, thiên tai được khắc phục, tạo nên một “điều kiện bình thường mới”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.
Về phía ngành Ngân hàng Việt Nam, Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, góp phần tạo ra trạng thái bình thường mới trong hoạt động tín dụng. Việc điều hành lãi suất đã giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020...
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghệ 4.0, theo hướng công nghệ không tiếp xúc; áp dụng Internet vạn vật và các thiết bị thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo, công cụ phân tích và các hoạt động từ xa đang tái định hình các mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai những mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia...
Những yếu tố trên đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
“Có kết quả này là nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mà trước hết là sự chỉ đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu và giải pháp hết sức thích hợp, vừa quyết liệt, vừa linh hoạt để đạt được mục tiêu kép, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Đức Ấn nhận định.
Đánh giá tương lai của ngành Tài chính sau đại dịch, các thành viên tham dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận về vai trò của các chi nhánh trong thời đại số; Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa thông qua hợp tác với các công ty Fintechs; Hành trình khách hàng được tích hợp với trải nghiệm thông suốt….
Trên cơ sở đó, The Asian Banker đưa ra một số nhận định về tương lai của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam như: việc các giao dịch số ngày càng tăng sẽ đòi hỏi năng lực cũng như độ tin cậy của hệ thống cao hơn; Các ngân hàng triển khai eKYC để mở tài khoản, tuy nhiên các quy trình xử lý back office cũng cần được tự động hóa; Các tổ chức tín dụng cần phải hướng đến là tổ chức sử dụng dữ liệu để hỗ trợ quá trình ra quyết định; Các ngân hàng hàng đầu cần xây dựng các nền tảng phát triển ngân hàng mở trên giao diện lập trình ứng dụng (API); Cần có sự hợp nhất chặt chẽ hơn nữa với hệ sinh thái thương mại điện tử và thanh toán...
Cũng tại Diễn đàn, The Asian Banker đã trao các giải thưởng thường niên năm 2021 về hạng mục đổi mới công nghệ và hạng mục ngân hàng bán lẻ hàng đầu cho một số ngân hàng Việt Nam.
Về tương lai của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam, theo the Asian Banker, việc các giao dịch số ngày càng tăng sẽ đòi hỏi năng lực cũng như độ tin cậy của hệ thống cao hơn; Các ngân hàng triển khai eKYC để mở tài khoản, song các quy trình xử lý back office cũng cần được tự động hóa. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần phải hướng đến là tổ chức sử dụng dữ liệu để hỗ trợ quá trình ra quyết định. Các ngân hàng hàng đầu cần xây dựng các nền tảng phát triển ngân hàng mở trên giao diện lập trình ứng dụng (API); ần có sự hợp nhất chặt chẽ hơn nữa với hệ sinh thái thương mại điện tử và thanh toán...